Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Xúc cảm từ bài viết của Người Buôn Gió về tranh ký họa của Cù Huy Hà Vũ

Có thể những bức ký họa chưa hẳn là tuyệt tác, có thể những đường nét chưa đạt tới đỉnh của công phu, có thể những chân dung kia chưa toát hết được tinh thần của nhân vật…, nhưng, với những ý tưởng lấy nghệ thuật làm con đường tiến thân thiện, đem kết quả của sáng tác nghệ thuật để cống hiến vì Con-Người, thì nghệ thuật ấy là nghệ thuật vinh quang và cao cả!


Chỉ có suy nghĩ đẹp mới dẫn đến hành vi đẹp! Tôi cúi đầu trước bất kỳ ai dám đem cái nhỏ nhoi mình có làm đẹp cho đời. Sự thánh thiện không cần đến tính từ, vẫn tự nó toát lên vẻ đẹp kỳ vĩ nhất. Nghĩ đến hành động nhân văn trên của CHHV, tôi lại thấy buồn buồn cho một số nghệ sĩ, chỉ vì muốn PR cho bản thân, cũng đem tác phẩm đi rao giảng và quảng bá bằng hình thức từ thiện, nhưng mười phần thì đến tám phần là giả mạo chân-thiện-mỹ để trục lợi. Hoặc chỉ vì cái vẻ hư danh do chức tước và quan hệ mà bán tác phẩm lên đến bạc tỷ, trong khi giá trị nghệ thuật thì chẳng có gì và, số tiền thu được cũng chẳng biết về đâu…

Ai đó từng nói rằng, hạnh phúc là cho chứ không phải nhận. Nhưng cái cách cho nó quý hơn của đem cho. Một hành vi đẹp cho nhau có khi lại hiệu quả và nhân văn hơn gấp ngàn lần cái của đem cho khiến người nhận phải cảm giác chịu ơn và… mắc nợ. Mới hay người xưa dạy chẳng hề sai: “Vi nhân nan! Vi nhân nan!” (làm người thật khó). Nó lại càng khó hơn khi làm một con người với đầy đủ nhân cách và khí phách trong dáng mạo của con người. Thời nào cũng thế, lũ giả nhân đội lốt người nhiều không kể xiết. Lại bỗng nhớ đến mấy câu thơ của Nguyễn Minh Khiêm khi ông chiêm nghiệm trong bài thơ “Ba trăm sáu lăm ngày: “Tôi đã thấy: Những cái ao cố phình ra làm biển | Những con rắn giả nhả mật ong | Những cây tre cúi xuống cho gần cây sậy | Những cây đại thụ bị nghiền ra làm bột giấy | Những người trung phải mượn đến vai hề”. Đúng là “Người trung phải mượn đến vai hề!”.

Nhiều lúc, tôi cũng nghĩ về nỗi sợ, nhưng có lẽ, ở đời có nhiều thứ khiến tôi phải nghĩ hơn là ngồi đó mà nghĩ vẫn vơ về cái thứ chẳng đáng phải nghĩ ấy. Có nỗi sợ nào trên đời này sợ hơn nỗi-chết? Có người bảo không còn nỗi sợ nào hơn, có người từng kinh qua nhiều chuyện thì lại bảo, chết còn chưa đáng sợ hơn là sống. Tôi chỉ hỏi mình, mình sợ điều gì? Và, trong ngút trùng suy nghĩ, tôi chỉ có thể lọc ra được vài thứ thôi. Thứ nhất, kể từ khi tôi biết đỏ mặt và xấu hổ, tôi thấy sợ nhất là phải nói dối và bị nói dối. Thứ hai, kể từ khi được cha mẹ, thầy cô và cuộc đời ban cho kiến thức và nhận thức, tôi thấy sợ nhất là sống ươn hèn. Thứ ba, kể từ khi biết rằng, trên hành tinh bé nhỏ như hạt bụi trong vũ trụ này, loài người là loài duy nhất có trí năng vượt lên muôn loài khác, thì tôi sợ nhất là sống không hợn được loài cầm thú, ví như loài vẹt, bắt chước giọng để nói lại, ví như loại bò, suốt đời nhai lại, ví như loài chó, quẳng cho cục xương là ngoan ngoãn vâng lời… Từ đó, tôi tự nhủ với lòng rằng, nếu chẳng phạm vào những điều trái với ý trời và lòng người, sống hiên ngang làm người như vốn dĩ loài người đang có, sáng tối không thẹn với mình và nhật nguyệt… thì chả có gì phải sợ. Giả dụ có oan khiên, thì cũng là một kiếp, tha nhân muôn kiếp sẽ minh oan, trí tuệ muôn kiếp sẽ minh oan và lương tâm muôn kiếp sẽ minh oan!

Như từng thưa thốt, tôi chưa bao giờ được gặp Tiến sĩ CHHV, nhưng nếu như triển lãm tranh của ông diễn ra, tôi tha thiết được đến xem (Anh Hiếu – Người Buôn Gió nhớ alo cho em nhé). Xem để thấy những điều nằm sau ngôn ngữ, xem để thấy những hình dung nằm sau từng nét cọ và, xem để thấy mình có thực sự được như lời mình thốt hay không!!!

©Trịnh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét