Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Ngô Lực kể chuyện vẽ trên người mẫu khỏa thân

Nude và ngồi bất động hàng giờ trong một tư thế để cây cọ của họa sĩ chạm đến từng góc thân thể, sự nhẫn nại của người mẫu và sự đam mê của nghệ sĩ body painting sẽ tạo nên những bức tranh kết hợp nghệ thuật tạo hình và vẻ đẹp trời phú cho con người. 

Là một hình thức còn khá mới ở Việt Nam,body art là cách thể hiện nghệ thuật tạo hình trên cơ thể con người. Body art chia làm nhiều loại, trong đó, full body painting đòi hỏi người mẫu phải nude toàn phần, để họa sĩ có thể tận dụng mọi đường nét trên thân thể vào tác phẩm của mình.

Dưới đây là câu chuyện của họa sĩ Ngô Lực - một trong những người tiên phong theo đuổi nghệ thuật body painting tại Việt Nam - về loại hình này.

- Để giới thiệu ngắn gọn về body art, anh sẽ nói gì?

- Có rất nhiều phong cách và quan niệm về body art hoặc body painting. Nhưng tôi có thể nói một cách đơn giản, đây là loại hình nghệ thuật sử dụng những gì vốn có của cơ thể con người làm nền tảng để sáng tạo nghệ thuật.

Người mẫu Kim Thoa. Ảnh: Quân Nguyễn.

- Nghề vẽ body painting hấp dẫn anh ở những yếu tố nào?

- Chẳng có gì hấp dẫn, đẹp đẽ và gần gũi như cơ thể con người. Bạn có thể quan sát một hiện tượng thường thấy thế này: một nhóm đàn ông đang ngồi túm tụm với nhau. Họ có thể nói chuyện chính trị với đầy sự căng thẳng; chuyện nghệ thuật với đầy cảm giác bay bổng và sáng tạo; chuyện triết học cao siêu hay sự thần bí của Phật học… Nhưng bỗng dưng, tất cả sẽ ngừng lại, ít nhất là 10 giây khi có một cô nàng xinh đẹp đi ngang qua. Vậy điều gì đã khiến cho những anh chàng viển vông đó phải lặng người đi trong vòng 10 giây? Tôi nghĩ, có lẽ tác phẩm lớn nhất tạo hóa tạo ra chính là vẻ đẹp của con người. Được sáng tạo nghệ thuật từ cái đẹp vốn có thì sự sáng tạo sẽ càng tuyệt vời hơn.

- Hiện nay, khó khăn lớn nhất anh gặp phải là gì?

- Hai vấn đề khó khăn nhất của tôi là kiểm duyệt và người mẫu. Đó là những trở ngại lớn trong việc phổ biến body painting đến với rộng rãi công chúng.

Người mẫu Hạnh Quyên. Ảnh: Quân Nguyễn.

- Khi vẽ, họa sĩ phải tiếp xúc với cơ thể trần của người mẫu. Anh vượt qua những cảm xúc giới tính thông thường như thế nào?

- Có một câu chuyện vui rằng: Trong một cuộc triển lãm tranh khỏa thân, khán giả đến xem ai ai cũng săm soi vào các bộ phận và chỗ kín của người mẫu để bàn tán một cách say mê. Vì thế, có anh triết gia chợt "ngộ" ra rằng: hóa ra nghệ thuật cũng chỉ là "chỗ đó". Sự ngộ nhận này rất dễ xảy ra nếu người ta chỉ chăm chắm vào những cảm nhận bản năng thay vì cảm thụ vẻ đẹp của bố cục, đường nét, ánh sáng, giá trị và ý đồ nghệ thuật mà tác giả đưa đến.

Khi tiếp xúc với người mẫu, tôi không phủ nhận sự cảm nhận bản năng. Nhưng cảm giác đó sẽ đi qua rất nhanh khi bắt tay vào công việc. Màu sắc, đường nét và những ý tưởng thể hiện lên người mẫu làm tôi bị cuốn theo. Tôi chỉ còn lại cảm giác mình đang vẽ. Nếu người họa sĩ không vượt qua được cảm xúc bản năng thì anh ta sẽ không thể cầm nổi cây cọ chứ đừng nói là vẽ lên đó bất kỳ hình gì.

Người mẫu Kim Ngân. Ảnh: Quân Nguyễn.

- Trong quá trình vẽ, thử thách lớn nhất đối với họa sĩ và người mẫu là gì?

- Đối với họa sĩ là làm sao để màu sắc đường nét hài hòa trên cơ thể. Với body art, họa sĩ không thể nào phác thảo trước để rồi chép lại vì mỗi cơ thể có một đặc điểm khác nhau. Nên để tạo sự hài hòa giữa đường nét và cơ thể là cả một thử thách.

Hơn nữa, khi vẽ họa sĩ phải tập trung cao độ vì tác phẩm tốt nhất cần được hoàn thành nhanh. Việc kéo dài sẽ làm người mẫu mệt. Đây cũng chính là khó khăn của các mẫu. Họ không được nhúc nhích, không được nghỉ trong khi họa sĩ làm việc. Vì vậy, làm mẫu body painting phải là người rất kiên trì.

- Anh tự đánh giá thế nào về các tác phẩm của mình?

- Thực chất tôi vẽ cũng không nhiều và chưa bao giờ cảm thấy hài lòng về sản phẩm của mình. Đây chỉ mới là những thử nghiệm mang tính cơ bản, còn rất đơn giản so với sự phát triển của nghệ thuật body trên thế giới. Tôi muốn cho công chúng bước đầu làm quen với môn nghệ thuật này trước khi bắt tay vào thực hiện những tác phẩm táo bạo hơn.

Người mẫu Vĩnh Nghi. Ảnh: Quân Nguyễn.

- Anh có thể kể lại những sự cố, hoặc những kỷ niệm vui buồn từ khi theo đuổi loại hình nghệ thuật body art?

- Khi ở Philippines, tôi có vẽ cho một cô người mẫu Mỹ. Cô ấy đến và dắt theo cả bạn trai. Trong lúc đó, nguyên cả êkíp chụp hình và trang điểm của chúng tôi gồm 7 người toàn là đàn ông. Cô ấy muốn mọi người phải ra ngoài chỉ còn tôi và cô để dễ làm việc. Tôi tỏ vẻ ái ngại và nói, anh người yêu có thể ở lại. Nhưng cô ấy nhất quyết không chịu. Tôi cứ nghĩ anh ta sẽ giận dỗi hoặc rất khó chịu. Nhưng sau khi vẽ xong, anh ta nhìn người yêu và trầm trồ khen ngợi. Sau đó, anh bắt tay tôi và cảm ơn rối rít. Anh còn xin số điện thoại và đề nghị tôi vẽ thêm cho cô ấy một vài kiểu nữa vào ngày hôm sau. Thái độ đó khiến tôi phải ngẫm nghĩ hoài về sự trân trọng nghệ thuật trong văn hóa ứng xử của họ.

- Một tác phẩm body art được "bảo quản" như thế nào?

- Nó sẽ là một tác phẩm nhiếp ảnh hoặc một video clip làm tư liệu.

Tâm sự của các người mẫu tham gia dự án của Ngô Lực:

- Chị biết đến body painting từ bao giờ?

- Hạnh Quyên: Tôi biết đến body painting thông qua sách báo và tạp chí nước ngoài. Trước đây, tôi chưa bao giờ làm mẫu cho loại hình nghệ thuật này vì ở Việt Nam, có vẻ như rất ít người làm body painting.

- Kim Ngân: Tôi biết đến body painting đã lâu, khoảng 3 năm trước. Nhưng đến nay mới thực sự tham gia làm người mẫu.

- Vĩnh Nghi: Lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm body painting, tôi đã rất thích và mong muốn được vẽ trên cơ thể mình. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm mẫu.

- Làm thế nào chị vượt qua định kiến để làm người mẫu body painting?

- Hạnh Quyên
: Nghề của tôi là người mẫu nên tất cả những gì liên quan đến việc người mẫu cần làm thì chẳng có gì là định kiến với tôi cả. Tuy nhiên, làm người mẫu body painting là công việc rất mới mẻ, có thể tạo ra những vấn đề nhạy cảm với thói quen nhìn nhận về thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, ảnh nude đã và đang dần dần được chấp nhận thì body painting cũng sẽ được mọi người chào đón.

- Vĩnh Nghi: Đây là môn nghệ thuật rất thú vị. Điều đó đã thôi thúc tôi làm mẫu và vượt qua định kiến của người khác. Tôi nghĩ nếu ai yêu vẻ đẹp của nó thì sẽ không định kiến về nó.

- Chị đối diện với những khó khăn trong quá trình làm mẫu body painting như thế nào?

- Hạnh Quyên: Khó khăn lớn nhất của tôi là chưa bao giờ khỏa thân trước một người lạ mặt, nhất lại là đàn ông.

- Kim Ngân: Tôi thấy mệt mỏi và phải rất nhẫn nại để hoàn thành một tác phẩm.

- Vĩnh Nghi: Tôi không cảm thấy khó khăn, vì để có một tác phẩm lạ mắt và đẹp thì phải biết chấp nhận.

- Người thân và bạn bè phản ứng thế nào trước các "tác phẩm" trên người chị?

- Hạnh Quyên:
 Khi làm người mẫu body painting, tôi biết chắc sẽ có những người không đồng tình. Trước đây, khi tôi làm mẫu cho những hãng quảng cáo đồ lót cũng vậy. Nhưng cũng có những người hiểu và đồng cảm với tôi, thậm chí họ còn hãnh diện vì có bạn, người thân làm người mẫu. Tôi nghĩ, cùng với thời gian, mọi người sẽ dần dần thay đổi và có cái nhìn sẻ chia hơn.

- Kim Ngân: Tác phẩm nào khi đưa ra công chúng cũng có những luồng ý kiến trái ngược nhau, huống chi body painting là một loại hình nghệ thuật mới mẻ ở Việt Nam. Tôi nghĩ sẽ là bình thường nếu có những người xung quanh tôi đồng tình hoặc không đồng tình.

- Vĩnh Nghi: Dù có thế nào đi nữa thì tôi vẫn biết mình đang làm gì và làm như thế nào. Tôi tự cảm thấy đây là công việc rất nghiêm túc và cũng chẳng có thì giờ bận tâm tới những người không hiểu hoặc đánh giá sai lệch về mình.
Hà Linh thực hiện
Theo: vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét