Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Kinh tế khó khăn, quán nhậu và thầy bói đắt khách

Văn Lang/Người Việt

SÀI GÒN - Tình cờ gặp lại Hoàng trong một quán nhậu bình dân ở Sài Gòn chúng tôi khá ngạc nhiên, không chỉ vì sự “xuống cấp” một cách bệ rạc của Hoàng. Anh là nhân viên kinh doanh của một công ty tư nhân chuyên cung cấp sản phẩm cách nhiệt cho các công trình xây dựng.

Kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao nhưng các quán nhậu “Lẩu Dê” tại sài Gòn vẫn đông nghẹt khách. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Nhận ra người quen cũ, Hoàng khá vui vẻ cụng ly với chúng tôi. Giải thích về sự nhậu của mình, Hoàng cho biết: “Kinh tế bây giờ rất khó khăn, sản phẩm công ty bị cạnh tranh quyết liệt với hàng giá rẻ nhập về từ Trung Quốc. Nhiều hợp đồng tưởng chừng như trong tầm tay, chỉ cần thò bút ký là xong, nhưng phía đối tác hủy bỏ vào phút cuối. Tức nghẹn, tìm hiểu thì biết phía đối thủ ‘chơi xấu’ bỏ giá cạnh tranh hơn, đành chịu.”
Hoàng kể: “Càng khó ký hợp đồng thì càng phải ra sức chạy đôn chạy đáo tìm đối tác giao du, ăn nhậu, tìm kiếm thông tin hợp đồng. Tiền này có hóa đơn về công ty thanh toán lại, nhưng cũng chỉ có giới hạn, nhất là khi chi hóa đơn mà không đem được hợp đồng về cho công ty. Tới tháng thanh toán các khoản hay viết báo cáo doanh số lòng cứ nặng trĩu như thấy mình có lỗi.”
Theo lời Hoàng, doanh số không đạt, công ty đã “trảm” một số nhân viên của phòng kinh doanh. Riêng Hoàng về công ty từ thời giám đốc kiêm ông chủ mới “tay trắng” khởi nghiệp, có lẽ vì là cựu công thần nên chưa bị xuống tay, nhưng lòng cứ lo ngay ngáy theo từng hợp đồng vuột mất. Mỗi chiều buồn Hoàng tự vô quán nhậu một mình, tiền tự chi trả nên Hoàng chọn quán bình dân làm vài ve ướp lạnh để tự an ủi lòng, cố quên viễn cảnh của ngày mai.
Khác với Hoàng, Lan là nhân viên kinh doanh của một tập đoàn nước ngoài ở Sài Gòn. Gặp lại, thấy Lan ăn bận chải chuốt hơn, ăn nói cũng ý tứ hơn. Hỏi thăm việc kinh tế khó khăn, hoàn cảnh kinh doanh của công ty thế nào, Lan cho biết: “Nhiều dự án lớn chậm triển khai, đồng nghĩa với nhiều hợp đồng bị trì hoãn, phải ‘vắt giò lên cổ’ mà chạy đua ký hợp đồng mong đạt doanh số hàng tháng, hàng quý, hàng năm.”
Hỏi thăm về việc có phải đi ăn nhậu với khách hàng để lấy cho được hợp đồng? Lan tâm sự, vụ ăn nhậu thì thường có đồng nghiệp nam theo hỗ trợ, nhưng Lan cũng thú nhận là mỗi khi đứng trước những hợp đồng lớn, cô thường lo lắng tới mất ăn, mất ngủ, để vuột mất hợp đồng là bao công trình theo đuổi nhiều tháng trời.
Trước những áp lực của công việc, không như đồng nghiệp nam “xả stress” bằng cách đi nhậu. Lan thường lên mạng Internet coi bói và không quên chọn “ngày lành tháng tốt” hạp túi để đi gặp đối tác bàn việc quyết định.
Là một kỹ sư, Lan thấy cũng buồn cười nhưng thấy việc gieo quẻ và chọn ngày giúp Lan tự tin hơn trong công việc. Không kể là Lan còn có một vài mối thầy bói quen để khi bí lối, hoặc có chuyện buồn là tới gặp thầy nhờ gieo quẻ, tư vấn giúp.
Khi chúng tôi hỏi về sự “linh nghiệm” của những quẻ bói. Lan kể một câu chuyện vui, có thật. Ðó là, chiều đó trước khi đi bàn ký hợp đồng với nhà thầu, Lan tranh thủ ghé bà thầy quen ở khu Lăng Ông nhờ xem một quẻ cho chắc ăn. Thầy phán: “Thời vận của nữ chiều nay rất hanh thông, vạn sự như ý, mã đáo thành công, niềm vui tới tấp.” 
Mừng quá, Lan phóng xe nhanh tới điểm hẹn đối tác mà lòng vui phới phới. Kết quả là không chú ý đường bị cảnh sát giao thông chặn phạt vì chạy xe nhanh quá tốc độ. Ðược cho đi, nhưng tới nơi thì trễ hẹn, đối tác đã bỏ đi, để lại lời nhắn là “nếu không kiểm soát được giờ giấc thì đừng có ra ngoài mà nói chuyện làm ăn.”
Lan kể mà cười buồn, nhớ mấy năm trước, nhóm người bán hàng của công ty Lan truyền nhau một câu nói “nổi tiếng”: “Người bán hàng có một quyền, đó là quyền từ chối bán hàng!” Lan giải thích, vì thực ra bán 1 ngàn mét vuông hay 10 ngàn mét vuông thì quy trình cũng như nhau, do vậy dân bán hàng chỉ chú ý những công trình lớn, còn những công trình nhỏ thì thường có tâm lý bỏ qua, không muốn bán vì cho rằng không đáng.
Nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, gió đã đổi chiều, người bán hàng của công ty Lan đang truyền nhau một khẩu hiệu mới: “Nếu không có nhỏ thì làm sao có lớn?!”
Khác với nhân viên công ty hay tập đoàn, N. là một thợ xây dựng, kiêm “nhà thầu” nhỏ, thuộc dạng lao động tự do ở Sài Gòn cho chúng tôi biết. Với dân xây dựng thì phải biết một điều, những ai không biết nhậu thì không phải là dân... thợ hồ. Ðồng thời, N cũng tự hào cho biết, dân nào sợ thất nghiệp, riêng dân thợ hồ thì khỏi sợ, lúc nào cũng làm không hết việc, giá cả lên là lương thợ hồ lên theo liền không cần chờ điều chỉnh “lình xình” như mấy ngành khác.
Nhưng N. cho biết, năm nay thợ hồ cũng “méo mặt,” dù lương thợ “xịn” đã lên tới 240 ngàn đồng một ngày, bỏ bốn ngày Chủ Nhật, tháng kiếm gần 6 triệu, nhưng giá một ký thịt heo trước Tết có mấy chục, bây giờ lên một trăm mấy, gần gấp đôi, điện nước xăng đều tăng, thì 6 triệu đâu là cái gì? Ði nhậu bây giờ chẳng ai bao ai, trước kia hùn nhau thì gọi là “hợp tác xã” bây giờ thì gọi là “chơi kiểu Mỹ,” ai kêu nấy trả, nghĩ ra thì thấy kỳ kỳ, nhưng khó khăn quá hồn ai nấy giữ thôi.
Trong một quán nhậu bình dân hết cỡ, nghĩa là quán bán bia mà không bán mồi. Chúng tôi gặp một người đàn ông với gương mặt khá khắc khổ, vừa kêu bia vừa xé nhỏ miếng đậu hũ chiên tự mang theo làm mồi. Hỏi thăm, ông cho biết làm nghề xích lô và mỗi ngày chỉ kiếm được có 50 ngàn đồng, vì bây giờ rất ít người chịu đi xích lô.

Nhân viên văn phòng đi coi bói ở bên hông Lăng Ông Bà Chiểu. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Ông cho biết, từ ngày kinh tế khó khăn, hai tuần ông mới cho phép mình vô quán bia bình dân một lần, và cũng chỉ uống đúng ba chai là về nghỉ. Ba chai Sài Gòn xanh ướp lạnh có giá là 21 ngàn đồng, 7 ngàn một chai, bà chủ quán thương ông nghèo “hữu nghị” bớt cho ông một ngàn, còn hai chục chẵn. Ông lắc đầu, thở dài: “Uống nhiều là chết đó!”
Có người nói Sài Gòn là một quán nhậu “vĩ đại” kể cũng không ngoa. Mới cách đây không lâu, công ty bia Sài Gòn “trương” một tấm pa-nô khổng lồ trên đường phố Sài Gòn để chào mừng hãng này sản xuất và tiêu thụ một tỉ lít bia mỗi năm. Một vị cựu giáo chức Sài Gòn bình luận: “Tỉnh nào cũng mở hãng bia, vé số ngày xổ ba, bốn đài, doanh thu mấy ngành này càng ‘thắng lợi’ thì xã hội ngày càng xuống cấp.”
Kinh tế khó khăn, nhiều người chỉ biết đi nhậu, đi coi bói để tự tìm “cứu cánh” cho mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét