Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

87.000 và 700

Xích Tử
 
Tiêu đề bài viết là cách rút gọn của con số 87.000 tỉ và 700 tỉ. Nó được gợi ý bởi những tin tức dồn dập nhất định phải có về kết quả của cuộc bầu cử 22/5.

12 giờ trưa 22/5, tất cả các điểm bỏ phiếu đã vắng hoe; các tổ bầu cử được dự một bữa cơm trưa đình đám. 15 giờ, hầu như các thùng phiếu đã được niêm phong. Ngày 23/5, tin tức đầu tiên cho biết tỉ lệ cử tri đi bầu cả nước là 97%; sau đó là tin về kết quả thành công tốt đẹp mà nặng ký nhất là cuộc trả lời phỏng vấn của Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử trung ương với phóng viên VTV1.
Diễn biến đó dứt khoát phải đáng tin, bởi một cuộc sinh hoạt chính trị, một ngày hội non sông, đã được toàn dân náo nức, hoặc háo hức chờ đón suốt cả tháng trước, rất tưng bừng và được bảo vệ cũng như bị thúc giục mời gọi ra rả trong ngày đi bầu thì làm sao mà không thành công tốt đẹp được.
Chỉ lạ là sao tỉ lệ chỉ đạt 97%. Hay con số đó cũng được lãnh đạo ? Bởi nếu tính số cử tri bị thất thoát do tai nạn các loại, nhất là vụ chìm tàu Dìn Ký, cả nước cũng không quá 1000, không bõ bèn gì với 3% ; trong khi bù lại, có rất nhiều người được nhận 2 phiếu cử tri trở lên (số công dân đi học xa hoặc di dân cục bộ do chuyển chỗ ở, theo vợ theo chồng).
Như vậy, cùng với những qui định pháp luật về qui trình giới thiệu/chỉ định/áp đặt người ứng cử, cách lựa chọn cử tri để lấy ý kiến tín nhiệm và phương pháp tổ chức các buổi lấy ý kiến, cách lựa chọn cử tri để tiếp xúc và phương pháp tổ chức các buổi tiếp xúc, thực tế diễn ra trong phòng phiếu cũng bộc lộ những khuất tất đáng xấu hổ. Không có phòng phiếu nào là không có hiện tượng đi bầu thay và việc nhân viên tổ bầu cử nhắc nhở cử tri “cách” lựa chọn ứng cử viên (bản thân tôi đã chứng kiến có người đi bầu đại diện cho 32 cử tri). Những khiếm khuyết của giai đoạn “đầu vào” đó khiến không ai tin được sự minh bạch của hồi sau vở kịch chính trị : với những tổ kiểm phiếu gồm những người do đảng và nhà nước cử, ăn lộc nhà nước và phải chấp hành phương án thành công định sẵn thì liệu viếc kiểm phiếu có khách quan gì.
Do đó, khi có thể cho là tin được đi về con số 97% tỉ lệ cử tri đi bầu thì đại đa số người dân thờ ơ với những đánh giá về sự thành công tốt đẹp, về tính dân chủ
của cuộc bầu cử. Còn đúng pháp luật thì cơ bản là đúng xét cho đến bước lên danh sách ứng cử viên vì pháp luật (cả Quốc hội nữa) là của đảng mà. Chính việc lạnh nhạt, thờ ơ của người dân – cử tri dẫn đến hiện tượng đi bầu đại diện (một số người có chữ gọi là dân chủ tập trung, nghe cũng vui) đã thể hiện sự vô cảm, ù trì hoặc bất hợp tác về chính trị của họ trong cuộc bầu cử. Đó cũng là sản phẩm mà chế độ cần có và đã tạo ra được qua mấy chục năm thiết lập nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Cuối cùng thì kịch bản chuẩn bị cho sự thành công tốt đẹp cũng phải diễn ra. Nay mai danh sách “trúng cử” sẽ được công bố và khó có cú knock - out nào nghiêm trọng cả. 700 tỉ đồng đã được giải ngân và duyệt chi một cách chu đáo để trả công đến từng cử tri dự lấy ý kiến, tiếp xúc, đến từng bữa ăn của tổ bầu cử, ban kiểm phiếu để hình thành những cơ quan quyền lực các cấp đại diện cho dân mà dù cho có sử dụng hết đến quyền ực cao nhất thì cũng không là cái đinh gì trong việc xử lý sự thất thoát cỡ 87.000 tỉ đồng của Vinashin sau khi đã có ý kiến của Bộ Chính trị. Cứ cái đà như vậy, nhiệm kỳ Quốc hội và hội đồng nhân dân kế tiếp sẽ được lãnh đạo để giải quyết những thất thoát, kể cả tham nhũng hàng trăm nghìn tỉ đồng. Thôi thì đáng kiếp một nhân dân, một dân tộc, yêu nước nồng nàn, một lòng theo cách mạng và đã nghìn đời mơ ước chủ nghĩa xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét