Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

Yêu nước theo "Thuyết tương đối"(Nghĩ từ cuộc biểu tình ở Tokyo chiều 25-6)

C.Đ.Q
Gần 200 con người, chủ yếu là người trẻ, sinh viên học sinh, tập trung từ sớm ở công viên Mikawadai. Tôi có cảm giác không khí của một ngày hội. Khi tôi đến thì mọi người đang phát bandron, biểu ngữ, cờ đỏ sao vàng, … Dự báo thời tiết hôm nay sẽ có mưa bão, nhưng trời đất ở Tokyo lại ủng hộ chúng tôi. 26 độ C, mát mẻ, ấm áp, quang đãng. Ban đầu 40 người, rồi 60, 100, 200… Con số tăng dần, dòng người nối dài ra, ai cũng hớn hở, háo hức một cách chưa từng thấy. Đi từ ga Rippongi, cứ nghe tiếng Việt, chúng tôi lại bảo nhau: quân mình đó, rồi kéo lại gần nhau đi thành từng nhóm.

Người Nhật có một số ít đã gia nhập vào đoàn chúng tôi, phất cờ Nhật, nhưng cùng chí hướng với người Việt. Bạn tôi nói, cảnh sát Nhật hôm nay rõ ràng nhường nhịn người Việt, vì bình thường họ không bao giờ cho phép dàn hàng đi chậm qua ngã tư trong khi đèn đỏ đã bật. Chúng tôi đi sát bên nhau, lòng dâng lên nỗi niềm thương yêu vô hạn đối với dân tộc, quê hương. Tôi thấy nhiều người Việt đầu đã hai thứ tóc, đi lại có vẻ đã khó khăn, nhưng vẫn cầm cờ lặng lẽ theo đoàn. Tất cả đều trong sáng. Vậy là, rốt cuộc, chúng tôi được tự do tha thiết chân thành yêu đất nước mình trên một…đất nước khác. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi điều này. Tôi tưởng tượng nếu như mình đang ở Việt Nam thì sẽ như thế nào? Tôi đi bên cạnh một em đang học tiến sĩ về khoa học tự nhiên. Em nói: Sao mà sướng quá, mình đi biểu tình vầy cảm thấy không bị hèn, thấy mình cao lên, vậy mà trước khi đi em cứ sợ… Tôi hỏi em sợ gì. Em cười: dạ thì sợ vu vơ thôi. Em cũng thành thật: đến Nhật rồi mà vẫn còn mang nỗi sợ, cứ sợ sợ cái gì cũng không biết nữa.
Tôi nghe nói công cuộc chuẩn bị biểu tình này gần nửa tháng trời, bao gồm việc xin phép biểu tình theo luật, cử 5 đại diện người Việt đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo để diễn thuyết bằng tiếng Nhật và tiếng Anh, thiết kế bandron, tranh biếm họa, vẽ bản đồ, … Khi đoàn biểu tình giải tán, chúng tôi mới hay có một số anh chị em đã tự nguyện đứng ra lo toàn bộ chi phí cho cuộc tuần hành. Chúng tôi không biết một điều là để có thể đi từ công viên Mikawadai qua các đường phố Nhật và dừng lại ở Episu, các anh chị em đó đã phải chi đến gần cả chục triệu đồng (nếu qui ra tiền Việt) cho tất cả các khâu, trong đó có cả chi phí (tính trên đầu người) bắt buộc cho việc…đứng tập trung ở công viên tư nhân của Nhật... Họ đã làm tất cả vì điều gì? Hoàn toàn trong sáng. Hoàn toàn vô tư, vô vị lợi. Không ghi tên, không để dấu ấn. […]
Tôi thấy tôi may mắn lạ lùng. 200 con người chiều hôm nay, ai cũng …lần đầu tiên đi biểu tình, mà lại biểu tình một cách dõng dạc, đàng hoàng, văn minh, học thức, không bị người ta nghi ngờ, khinh bỉ, không lo lắng bị giật áo, túm cổ, không bị cái cảm giác “mình làm vầy có sao không, có sao không…”, không bị chê là dại, là khùng.
Tôi cứ nghĩ hoài, nếu tự dưng có cơ hội về lại quê nhà, mình có dám tham gia như thế này không? Chắc sẽ có… Nhưng, cũng có thể không. Có nhiều lý do để không đi mà. Lý do đi chỉ có một. Đơn giản là thể hiện lòng yêu nước, sự quan tâm đến vận mệnh dân tộc. Lý do để không đi thì…không thể kể hết ra được. Quá nhiều. Quá…vu vơ.
Thế thì sao? Tôi lại nghĩ. Thôi thì, yêu nước theo “thuyết tương đối” vậy. Được sống ở Nhật, học ở Nhật, giao lưu ở Nhật, thì hưởng chút văn minh của Nhật, cố gắng dõng dạc, tự tin. Nếu mà về thì lại… ngó trước ngó sau, thể hiện được bao nhiêu thì thể hiện. Làm căng thì mình chùng lại, lui bớt đi. Thả thì mình cố “vươn” theo, “nương” theo tiến bộ xã hội trên thế giới. Nói chung là “tùy cơ ứng biến”, yêu bên trong hay thể hiện ra ngoài là… tùy mình.
Nghĩ vậy, tôi lại thấy buồn. Một nỗi buồn sâu sắc, thấm thía, che hết mọi hân hoan mà cuộc biểu tình tưng bừng khí thế ban chiều đã mang đến cho tôi./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét