Từ lâu rồi, người Việt Nam tưởng như đã phải tập quen và chung sống với tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội, tha hóa về mặt nhân cách con người.
Cái đẹp, cái thiện cứ ngày càng hiếm hoi trong khi cái xấu, cái ác cứ ngày càng phát triển rậm rạp, lan tràn. Như một thứ vi trùng ung thư đang hủy hoại cơ thể xã hội VN.
Ấy vậy mà lâu lâu chúng ta vẫn phải rùng mình trước những cái xấu, cái ác đã lên tới mức độ không thể hiểu, không thể lý giải được.
Ðọc lại những câu chuyện mới xảy ra gần đây.
Trong một ngày, chúng ta đọc được hai thông tin: Công an đánh trẻ em và công an đánh người khuyết tật.
Ngày 15 tháng 6, cháu Ngô Ðình Phát, 11 tuổi, bị thiếu úy Trần Nguyễn Hồng Quang, công an phường Thủy Xuân (Huế) đánh đến nỗi phải phải nhập viện vì lỡ ăn cắp tiền của cô ruột. Nhìn em bé phải nằm sấp, hai bên mông, đùi bầm tím và nghe lời kể của cháu bé: “Cháu càng kêu đau các chú công an càng đánh mạnh” (báo VNExpress ngày 20 tháng 6), mọi người xót xa, phẫn nộ.
Vụ thứ hai, trung úy Thái Quang Vinh, công an phường Ðức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã cãi nhau và đánh một người thợ khuyết tật làm nghề sửa chữa điện tử.
Cả hai vụ trên, một phần do sức ép của dư luận, ngành công an đã nhanh chóng có những động tác như xin lỗi gia đình nạn nhân, đưa tiền hỗ trợ thuốc men, và đình chỉ công tác đối với các công an phạm luật. Ở Việt Nam như vậy đã là “tiến bộ” lắm. Nếu so sánh với hàng chục vụ công an đánh người, thậm chí làm tử vong, đã bị chìm xuồng từ trước đến nay.
Tất nhiên là đừng so sánh với… Mỹ! Như vụ Hồ Quang Phương, sinh viên người Việt đi du học, bị cảnh sát San Jose đánh năm 2009, sau đó đã được bồi thường 225,000 USD. Sở Cảnh Sát San Jose cũng đã đình chỉ công tác bốn cảnh sát liên quan vụ này và mở điều tra cáo buộc làm trái.
Ðiều đáng nói ở đây là vì sao công an Việt Nam ngày càng trở thành biểu tượng của… hung thần đối với người dân như vậy?
Chuyện công an đánh người không còn hiếm hoi ở Việt Nam nữa. Nhưng đánh cả trẻ em, cả người khuyết tật, cả phụ nữ mang bầu (như trường hợp chị Dương Thị Mỹ Ngọc bị tay trung tá Nguyễn Thanh Hải, công an phường Tân Phú, quận 9, TP. HCM đánh phải nhập viện ngày 6 tháng 4, 2011. Chỉ vì trước đó, ông Hải muốn mua ép giá rẻ 3 ký cua biển và chị Ngọc không chịu bán!). Ðến mức này thì phải nói là không chỉ đạo đức mà cả tâm lý, tâm thần của các vị công an nhân dân của nước ta “có vấn đề nghiêm trọng”!
Câu chuyện thứ hai là bảo vệ của một công ty đã lao thẳng xe vào những người công nhân đang đình công làm 1 người chết, 6 người bị thương, trong đó có một chị đang mang thai! Sự việc xảy ra vào ngày 23 tháng 6 tại công ty vật liệu đặc biệt Giai Ðức Việt Nam (Chương Mỹ, Hà Nội).
Nói như lời một nữ công nhân “Bảo vệ cũng đi làm công, sao lại lái xe đâm chúng em” (báo VNExpress ngày 24 tháng 6) khiến mọi người bàng hoàng. Cùng là những kẻ đi làm thuê khốn khổ như nhau. Nhưng vì nghe theo lệnh của “trưởng phòng tổ chức hành chính” công ty Giai Ðức đề nghị bằng mọi giá phải đưa ôtô vào trong công ty, tay bảo vệ này đã hành động như vậy. Chứng tỏ tay bảo vệ chỉ coi trọng lời nói cấp trên, còn mạng sống của người khác là cỏ rác!
Tính chất dã man trong hành vi của bảo vệ công ty Giai Ðức khiến dư luận nhớ lại những sự việc khác trước đây. Như vụ án “xe điên”, khi tay kỹ sư Nguyễn Minh Trí sau khi đã tông vào một xe gắn máy làm hai thanh niên ngã xuống đường, đã không dừng lại thăm hỏi nạn nhân. Mà còn lùi xe lại, cán lên người anh Cao Xuân Thắng khiến nạn nhân tử vong!
Hay vụ tài xế Ðặng Hữu Anh Tuấn, khi va quẹt xe làm một cô gái 15 tuổi ngã kẹt dưới bánh xe, “Mặc cô gái trẻ vùng vẫy kêu cứu dưới bánh xe, mặc sự ngăn cản của người đi đường, tài xế Ðặng Hữu Anh Tuấn vẫn cho container liên tiếp cán qua” (VNExpress). Tất cả là 3 lần, khiến nạn nhân tử vong sau đó!
Người ta tự hỏi cái gì khiến những con người này trở nên dã man, vô cảm đến thế trước tính mạng của người khác? Hệ quả của một nền giáo dục hỏng từ gốc? Môi trường xã hội tồi tệ mà luật pháp thì chưa đủ răn đe? Sức ép từ cuộc sống luôn phải quay cuồng chạy theo cơm áo gạo tiền, vật giá leo thang. Cộng với sự bức bối, tức tối từ bao nhiêu cái phi lý, bất công trong xã hội khiến con người trở nên bất mãn và khi có dịp là hành xử độc ác với đồng loại?
Câu chuyện tiếp theo là vụ “Giáo viên ẩu đả, 2 người chết và bị thương” (báo Pháp luật TP. HCM).
Theo thông tin từ báo, ba cán bộ giáo viên trường tiểu học C Phước Long, xã Phước Long, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) nhậu tại thư viện trường (!)chiều 24 tháng 6, dẫn đến cự cãi, ẩu đả. Cuối cùng ông Nguyễn Thanh An, hiệu trưởng của trường đã dùng dao cắt cổ một giáo viên đến tử vong, người thứ hai bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu!
Ðọc xong thông tin này, không biết phải nói gì nữa!
Không chỉ toàn xã hội mà ngay trong môi trường giáo dục ở Việt Nam cũng vẽ nên một bức tranh ảm đạm không kém. Hết nam sinh đánh nhau đến nữ sinh đánh nhau, lột áo làm nhục nhau rồi quay thành clip tung lên mạng. Hết bảo mẫu bạo hành trẻ em, thầy cô chửi mắng học sinh bằng những lời lẽ hết sức phản văn hóa… lại đến thầy giáo gạ tình nữ sinh đổi điểm, v.v.
Và “đỉnh cao” là vụ scandal đường dây mua bán dâm các em học sinh tuổi vị thành niên của ông Sầm Ðức Xương, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh (Vị Xuyên, Hà Giang). Người mua dâm ngoài ông Xương là hàng chục quan chức cao cấp tỉnh Hà Giang!
Bây giờ lại đến vụ hiệu trưởng cắt cổ giáo viên!
Xã hội thì tha hóa, đầy rẫy những tấm gương xấu, nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn mưu sinh, không còn nhiều thì giờ dành cho con cái, đành khoán trắng việc giáo dục con em cho thầy cô, nhà trường. Nhưng nhiều ngôi trường cũng không còn là nơi an toàn, tốt đẹp, thiện lương, các công dân tương lai của Việt Nam biết nương tựa vào đâu?
Vào pháp luật chăng? Luật pháp ở Việt Nam, ai cũng thừa biết như thế nào. Cố tình lùi xe lại cán lên người nạn nhân đang nằm dưới đất như vụ Nguyễn Minh Trí ở trên mà chỉ bị có 2 năm tù! Cả một đường dây mua bán dâm nữ sinh vị thành niên, chỉ có một ông hiệu trưởng bị tuyên án, còn lại bao nhiêu quan to quan nhỏ đều lọt lưới, v.v.
Hay là trông vào tiếng nói của báo chí, truyền thông-được đánh giá là quyền lực thứ tư trong các xã hội dân chủ pháp trị?
Nhưng ở Việt Nam thì báo chí làm gì có được quyền lực như vậy. Báo chí phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, chỉ được “múa” dưới cây gậy điều khiên của đảng và nhà nước. Nên cái cần nói thì không được nói. Cái không đáng nói thì tràn ngập.
Ngày báo chí Việt Nam năm nay (21 tháng 6), nếu ai theo dõi sẽ thấy rất ít bài ca ngợi báo chí Việt Nam. Ngược lại, khá nhiều những tiếng nói phê phán, chỉ trích, cả trong và ngoài nước: “Nghĩ về sự lộng quyền của báo chí” trên trang Petrotimes, “Ðoản văn cho ngày 21 tháng 6” của tác giả Tuấn Khanh – Tiền Vệ, “Ðôi lời về liêm sỉ của báo chí” của tác giả Mạc Việt Hồng – Ðàn Chim Việt, “Báo chí VN-niềm tự hào hay quốc sỉ dân tộc?” của Nguyễn Việt Hà – Ðàn Chim Việt, “Ðạo đức nghề nghiệp của truyền thông qua hai hình ảnh biểu tình trái ngược” – RFA, Thời của thông tin “lộ hàng”?, báo Tuổi Trẻ, chùm bài “Truyền thông: Những chuyện không tử tế” – báo Tuổi Trẻ…
Sau một thời gian dài câm lặng trước chuyện Trung Quốc hành xử ngang ngược trên biển Ðông, đánh cướp tàu của ngư dân Việt Nam, xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nay báo chí Việt Nam đã được bật đèn xanh cho phép lên tiếng. Nhưng lại vẫn cái lối đưa tin bôi bác, không trung thực như vụ TTXVN gọi việc hàng trăm, hàng ngàn người dân Hà Nội, Sài Gòn đi biểu tình phản đối Trung Quốc là “một số ít người tụ tập”. Dư luận ngao ngán với một nền báo chí đã bị bạc nhược, vô hiệu hóa bởi nhà nước. Dư luận càng bức xúc hơn trước xu hướng đưa tin kiểu các vụ án “cướp, giết, hiếp” tràn lan, và bây giờ là xu hướng “playboy hóa”, khiêu dâm hóa của hàng loạt tờ báo điện tử. Suốt ngày khai thác những thông tin giật gân, câu khách quanh chuyện “lộ hàng”, “khoe thân”, những chi tiết đời tư ngồi lê đôi mách đậm mùi xác thịt…
Tâm hồn con người biết trú ẩn, nương tựa vào đâu?
Xã hội thì như thế, giáo dục, truyền thông báo chí như thế, đừng trách sao con người Việt Nam ngày càng trở nên vô cảm, thậm chí độc ác, dã man!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét