Vụ việc xảy ra sáng 23/6 tại cổng Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Theo đó, từ 7h30 sáng 23/6, toàn bộ công nhân của công ty TNHH Giai Đức đã tập trung trước cổng vào công ty để đình công đòi lãnh đạo nâng tiền ăn (hiện đang là 10.000 đồng/suất), nâng lương, hỗ trợ thêm tiền xăng xe đi lại.
Việc đình công này đã được báo cho lãnh đạo công ty biết từ chiều qua (22/6). Tuy nhiên, tập trung được khoảng 30 phút nhưng công nhân không thấy lãnh đạo công ty “ra mặt” giải quyết.
Đúng lúc này, hai chiếc xe tải chuyên chở phế thải của công ty bắt đầu lăn bánh từ phía trong ra cổng nhưng không thể thoát ra được do cổng vào công ty đã bị công nhân bủa vây.
Sau khoảng 5 phút, đội trưởng đội bảo vệ của công ty là ông Lê Tuấn Minh đã chạy ra mở cổng rồi tự ý nhảy lên một trong hai chiếc xe chở phế thải, tăng ga và lao thẳng về phía đám đông công nhân đang ngồi trước cổng (chủ yếu là nữ).
Theo thông tin chưa được kiểm chứng thì có ít nhất 1 người chết tại chỗ, 6 người bị thương nặng (trong đó có 1 phụ nữ đang mang thai 7 tháng). Còn lại có một số công nhân khác bị thương nhẹ, trong đó cũng có một phụ nữ đang mang thai 5 tháng. Tất cả đã được đưa đi cấp cứu.
Ngay sau hành động của bảo vệ Lê Tuấn Minh, đám đông bức xúc đã lao vào đánh người này cùng với lái xe của chiếc xe chở phế liệu. Hiện hai người này đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Công ty TNHH Vật liệu đặc biệt Giai Đức Việt Nam có 100% vốn đầu tư của Đài Loan, chuyên sản xuất các linh kiện và phụ tùng xe gắn máy. Công ty này đã thành lập hơn 10 năm, nằm trong khu công nghiệp Phú Nghĩa.
Trong những năm gần đây, hàng ngàn vụ đình công lớn nhỏ xảy ra từ Bắc tới Nam với mục đích đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, đặc biệt từ các công ty có vốn nước ngoài. Xu hướng đình công để đòi hỏi quyền lợi của công nhân ngày càng tăng lên.
Trong khi đó, hệ thống công đoàn của Việt Nam hoàn toàn mang tính hình thức và không thực sự đại diện cho giai cấp công nhân. Đời sống của tầng lớp này ngày càng khó khăn trước lạm phát siêu tốc, giá cả đắt đỏ và lương bổng quá thấp.
Hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu công nhân.
Những cố gắng thành lập công đoàn độc lập cho công nhân chưa mang lại kết quả đáng kể nào. Mấy năm trước một tổ chức mang tên Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân đã ra đời tại Ba Lan nhưng sự xâm nhập của họ vào Việt Nam còn có những giới hạn nhất định.
Năm ngoái, nhà nước Việt Nam đã xử mạnh tay với một nhóm tranh đấu cho quyền lợi của công nhân theo xu hướng độc lập như Đoàn Huy Chương (tức Nguyễn Tấn Hoành), Đỗ thị Minh Hạnh và Nguyễn Quốc Hùng.
Tin VietnamNet. Đàn Chim Việt biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét