Hơn 500 học viên tại Trung tâm cai nghiện và tỉnh Yên Bái đã tham gia ngày bầu cử. Ảnh báo L Đ |
Danh sách 500 đại biểu quốc hội trúng cử từ 827 ứng cử viên đã được công khai ngày hôm qua. Lần này, cũng như các lần trước, lãnh đạo cao cấp của nhà nước là những người trúng cử với số phiếu cao nhất.
Cụ thể: Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu về tỷ lệ phiếu bầu (95,51%), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trúng cử với tỷ lệ sát nút 95,38%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu 85,63%, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, người mới ra tuyên bố giật gân về “một đàn sâu”, không biết có phải vì thế không, mà trúng cử với tỷ lệ thấp hơn chút đỉnh: 80,19%. Tất cả 12 bộ trưởng cũng đều trúng cứ với tỉ lệ phiều bầu cao.
Có lẽ kết quả bầu bán không phải là chủ đề được dân chúng hào hứng theo dõi nên các báo đều đưa tin theo kiểu qua loa, chiếu lệ và chưa đầy một ngày sau (khi người viết tìm kiếm thông tin), những tin tức này đã không còn nằm trên trang nhất nữa mà nhường chỗ cho những chuyện đời thường trong cuộc sống.
Cũng phải thôi, vì đã từ lâu, dân Việt coi đây như là một màn diễn với lớp lang đầy đủ.
Màn ứng cứ
Trong 500 đại biểu chỉ có 4 người thuộc diện tự ứng cử (chiếm 0,8%), 496 người còn lại đều được đảng bộ cấp trung ương hay địa phương đề cử. Bốn người đó là bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội), các ông Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An), Phan Văn Quý (Nghệ An) và Hoàng Hữu Phước (TP HCM). Các bản tin đều không nói rõ 4 người tự ứng cử này có phải là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam không, họ là ai mà lập được ‘kỳ tích’ như vậy và người viết cũng không có thời gian để tìm hiểu về họ. Chỉ biết rằng, ở một đất nước mà sự lãnh đạo của đảng xen vào mọi ngõ ngách của đời sống thì “tự ứng cử” phần nhiều cũng chỉ là một loại chân gỗ của đảng, một thứ cò mồi dân chủ mà thôi.
Để chứng minh cho điều này có thể nhìn vào tấm gương một số người thực sự tự ứng cử trong những năm gần đây. Những trường hợp này thường bị chính quyền dùng đủ mọi cách loại ngay ở tổ dân phố. Thay vì lấy phiếu tín nhiệm một cách nghiêm túc và đúng luật thì họ tổ chức các buổi đấu tố ở phường với sự tham gia của Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội phụ lão, quần chúng “tự phát”v.v. và áp đặt một kết quả trái với nguyện vọng của cử tri nơi cư trú.
Ông Nguyễn Phương Anh, người tự ra ứng cử năm 2007 kể, ngoài việc gặp đủ thức rắc rối trong việc xác minh lý lịch 3 đời, buổi đấu tố ông đã diễn ra ở phường Bách Khoa với sự có mặt của khoảng 10 nhân viên an ninh ăn vận thường phục và 20 công an mặc sắc phục. Bạn bè, người thân của ông không được tới dự mà có nhiều người lạ hoắc từ nơi khác tới. Dù là cuộc họp cử tri công khai nhưng họ chỉ phát giấy mời cho một số đối tượng nhất định. Ông Phương Anh bị kèm sát như kẻ phạm tội, bị cách ly hoàn toàn với những người xung quanh và những nhân vật được công an cài cắm thay nhau lên đấu tố ông với lời lẽ như thời cải cách ruộng đất.
Trường hợp khác là luật sư Lê Quốc Quân, người có ‘kinh nghiệm đầy mình’ với 3 lần tự ứng cử. Ông Quân cho biết: Năm 1997 khi còn là sinh viên Đại học Luật, Quân cũng đã tự ứng cử nhưng bị dọa đuổi học và phải rút đơn. Tháng 3 năm 2007, khi đang cầm trên tay Hồ sơ ứng cử Đại biểu quốc hội khóa 12 thì luật sư Quân bị bắt và bị giam giữ 100 ngày, vừa hết thời gian bầu cử. Lần thứ 3 mọi việc có vẻ suôn sẻ khi 100% nhân viên công ty của ông đều cho biết LS Quân có đủ tư cách của một đại biểu quốc hội và người dân nơi ông sinh sống cũng tỏ vẻ tín nhiệm ông nhưng cuối cùng ông đã bị bắt giữ bên ngoài phiên xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và bị giam giữ tới hết thời hạn nộp hồ sơ.
Việc tự ứng cử của Cù Huy Hà Vũ cũng kết thúc khi cả nhà ông được mời đến để nghe một màn xỉ vả ‘hoành tráng’ do những người từ nơi khác tới thực hiện. Liên quan tới hành động tự ứng cử của CHHV, mới đây, báo Công an đã tặng cho ông biệt danh “kiêu ngạo” và “tùy tiện”. Ông Vũ đã không có cơ hội ra ứng cử lần này vì cái án 7 năm tù, song nếu có cơ hội hẳn nó cũng có kết cục không khác gì lần trước.
Luật sư Lê Công Định, Luật sư Nguyễn Văn Đài, doanh nhân Lê Thăng Long hay thầy giáo Người đương thời Đỗ Việt Khoa đều rớt ngay từ ‘vòng loại’ bằng những thủ thuật tương tự của nhà cầm quyền.
Màn bầu cử
Thông tin mới nhất cho biết, số người tham gia bỏ phiếu là 61,96 triệu trên tổng số 62,26 triệu toàn quốc, đạt tỉ lệ 99,51%, cũng xêm xêm như các kỳ bầu cử trước đó.
Để có được con số đẹp, gần như tuyệt đối này, các tổ dân phố đã nhiều lần họp hành, thúc giục dân chúng đi bầu cử và các loa phường đã hàng tháng trời chĩa vào tận giường ngủ của người dân để ra rả tuyên truyền.
Gần kỳ bầu cử, trên một số diễn đàn mạng lề trái, xuất hiện lời kêu gọi t̐9;y chay bầu cử nhưng thực tế ở Việt Nam không dễ dàng như vậy. Việc đi bỏ phiếu nghe thì tự nguyện nhưng không hẳn thế. Không phải là chuyện thích thì đi, không thích thì thôi mà gần như bị cưỡng bức, ép buộc một cách khéo léo.
Các điểm bầu cử đã lên danh sách cử tri từ trước và đến tầm chiều, ai chưa đi bầu đều bị cán bộ phường, đôi khi có công an đi kèm tới tận nhà nhắc nhở, “vận động” đi bầu. Ở Việt Nam đi học, đi làm, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, hay làm gì cũng phải có ý kiến hoặc xác nhận của phường nên không mấy ai có thể coi thường lệnh của các ông quan phường.
Ai không đi được, người nhà hay hàng xóm có thể bỏ phiếu giúp, miễn là phải tham gia bầu cử để đủ số lượng. Người đang nằm viện, hay trong các trại cai nghiện ma túy.v.v. cũng phải tham gia đầy đủ, không biết chữ thì đã có thanh niên tình nguyện ở các điểm bầu cử gạch hộ…
Chỉ tiêu bầu cử, trung ương đã giao tới tận các địa phương, nơi nào không đạt được thành tích, cán bộ có thể bị khiển trách hay mất chức.
Ví như Thanh Hóa, một tỉnh đang đói từ miền xuôi tới miền ngược, nhiều nơi phải bới khoai non lên ăn, nhiều nhà ăn cơm chan nước trắng nhưng cũng đạt tỉ lệ bầu cử tới hơn 99%, nhiều huyện 100%.
Tờ Dân Trí cho hay: “Tính đến 17h ngày 22/5, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có 2.308.157 cử tri đi bỏ phiếu. Trong đó có 3 huyện đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu là huyện miền núi Quan Sơn, Quan Hoá và Lang Chánh. Tiếp đó, một số đơn vị khác trong tỉnh đạt gần 100% số cử tri đi bỏ phiếu như: huyện Vĩnh Lộc 99,99%, huyện Cẩm Thuỷ 99,76%, huyện Thạch Thành 99,6%, huyện Bá Thước 99,86%… Đây là những huyện miền núi, điều kiện đi lại khó khăn của tỉnh Thanh Hóa”.
Than ôi, đói dài đói rạc mà tinh thần bầu cử cỡ này làm người viết chợt nhớ tới “Tinh thần thể dục” của Nguyễn Công Hoan hồi đầu thế kỷ trước. Chẳng lẽ sau gần một thế kỷ đi theo cách mạng, người dân Việt Nam vẫn không có quyền lựa chọn một món ăn tinh thần cho mình, mà vẫn phải xem những màn “biểu diễn” chán ngắt thay vì đi buổi chợ kiếm chút cơm cháo nuôi con hay sao?
Việc định hướng bầu cử, gợi ý người trúng cử cũng không phải là một hiện gì mới mẻ như một công văn gần đây được tung lên mạng. Nó đã tồn tại trong suốt chiều dài của bầu cử quốc hội ở Việt Nam. Các cơ quan đoàn thể thường đã họp trước để quán triệt. Các thanh niên tình nguyện đứng ở các điểm bầu cử cũng thường được gợi ý trước, nếu cử tri phân vân, không biết gạch tên ai, thì nên hướng dẫn cho họ ra sao.
Ở những nước dân chủ tiến bộ khi việc tham gia bầu cử thực sự là tự nguyện, thường chỉ có 50-70% cử tri đi bỏ phiếu.
Chẳng hạn như cuộc bầu cử Tổng thống ở Ba Lan hồi tháng Bẩy năm ngoái có 17.050.417 cử tri trong tổng số 30.833.924 tham gia bầu cử, đạt tỉ lệ (làm tròn là) 55,3%. Trong số hơn 17 triệu phiếu bầu, có gần nửa triệu không hợp lệ. Chủ nhân của những phiếu này, phần lớn đã gạch bỏ cả 2 ứng viên và ghi vào đó tên ca sĩ, diễn viên hay cầu thủ bóng đá mà mình hâm mộ. Đó là cách người Ba Lan bày tỏ sự thất vọng với cả 2 ứng cử viên, mà theo họ không ai xứng đáng ngồi vào cái ghế Tổng thống.
So với Ba lan, cử tri Mỹ tích cực tham gia bầu cử hơn song tỉ lệ đi bầu cũng chỉ đạt chừng 60-65%. Các nước trong liên minh châu Âu đều trong tình trạng ‘èo uột’ tương tự, không mấy khi vượt được con số 70%.
Nếu không bị dồn ép, thúc giục, tới tận nhà ‘nhắc khéo’, có thể tỉ lệ cử tri tham gia bầu cử ở Việt Nam còn tệ hơn.
Thắng cử kiểu ‘tự sướng’
Cách ứng cử và bầu bán như ở Việt Nam, nếu Barack Obama hay phó thủ tướng người Đức gốc Việt Philipp Rösler có tranh cử thì cũng sẽ cầm chắc phần thua. Kết quả bầu cử thường không nằm ngoài dự đoán của những người đi bầu lẫn toan tính của bộ Chính trị. Thông thường, cũng có vài vị do trung ương giới thiệu bị loại và vài người ở địa phương thế vào những chỗ đó nhưng nó không đủ để làm thay đổi bất cứ điều gì trong cán cân quyền lực ở Việt Nam khi những người giữ các vị trí then chốt đều “trúng cử cao”.
Xét trên góc độ số học, thành tích trúng cử của các lãnh đạo Việt Nam có lẽ chỉ kém cha con bác Kim chút đỉnh, nơi có 99,9% cử tri đi bỏ phiếu và các lãnh đạo cốt cán đều trúng cử với 100% phiếu bầu.
Chuyện ứng cử và bầu cử diễn ra trước mắt bàn dân thiên hạ mà còn lắm bất cập như vậy, không ai có thể biết việc đếm kiểm phiếu được thực hiện ra sao, trung thực tới mức nào.
Kiểu đảng cử rồi thúc ép dân đi bầu không biết có làm cho những người trúng cử cảm thấy sung sướng, mãn nguyện, hãnh diện không? Thông thường đã tranh cử thì phải có đối thủ, phải có đối lập, có đảng nọ đảng kia, có vận động cử tri, giành giật từng lá phiếu, có sự vào cuộc của báo chí tự do, có sự bình luận và phân tích thắng thua của các nhà chính trị học…
Mọi cuộc chơi thường chỉ hoàn hảo khi có một đối tượng tương xứng. Bầu bán kiểu một mình một chợ như Việt Nam và Bắc Hàn, không đối thủ thì dù có thắng tới 99 hay 100% cũng chẳng hay ho, danh giá gì. Có khác chi trò đóng cửa chặt lại rồi tự sướng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét