Nguyễn Quang Lập
Hơn chục năm trở lại đây, cứ đến mùa thi tốt nghiệp THPT thiên hạ lại được trận cười ra nước mắt. Tuồng như ngành giáo dục càng giương cao ngọn cờ “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” thì tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục càng lây lan, bùng phát. Những bi hài trong thi cử của mùa thi năm nay chẳng khác gì những mùa thi trước, thậm chí còn trầm trọng hơn.
Những ai đã biết thực trạng một nền giáo dục nhiều bất cập, yếu kém toàn diện mà nhiều nhà giáo dục và quản lý đã lên tiếng, nhìn vào kết quả tốt nghiệp cao vời vợi, hầu hết các tỉnh thành đều đạt xấp xỉ tỉ lệ 100% tốt nghiệp, thì ngay cả người dễ tính nhất, cả tin nhất cũng không thể tin nổi đó là một kết quả trung thực. Ví dụ Điện Biên đạt 91,17%, tăng hơn 66% so với năm trước, Sơn La năm 2009 có tỷ lệ 39,07%, năm 2010 tăng vọt lên đến 91,43% và đến năm nay, tỷ lệ đỗ đạt tới 97%. Chỉ cần nêu một vài thí dụ như vậy cũng đủ để cho người ta giật mình hoảng hốt, không biết cứ thế này rồi giáo dục nước nhà đi về đâu.
Theo báo CAND, “Giáo sư Văn Như Cương cho biết, một giáo viên trường ông tham gia chấm thi môn toán kể lại, có túi bài thi môn toán, giống nhau như hai giọt nước ở cả phần sai và phần đúng.” Lại có chuyện 11 Sở GD&ĐT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có cuộc họp vào ngày 5/6 tại TP Cần Thơ ra Biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 môn Ngữ văn. “Theo biên bản này thì đã có sự “nới lỏng” trong đáp án môn Ngữ văn như ở câu 1, theo giáo viên chấm thi, dù trả lời không đầy đủ, không rõ ràng, thậm chí trả lời sai hoàn toàn học sinh vẫn có thể đạt điểm tối đa, hoặc không trừ điểm khi học sinh nêu dư ý trong bài làm, không tính lỗi chính tả, không yêu cầu viết thành đoạn văn.”
Thế cho nên mới có biểu điểm hài hước ở đề thi “Chiếc thuyền ngoài khơi xa”: Hễ có “đàn bà” là có điểm, có “đàn bà” mà lại có “hồng hồng” nữa thì càng điểm cao. (theo báo Dân Việt). Có lẽ đó là biểu điểm hài hước nhất thế giới.
Cũng theo báo Dân Việt, ở đề thi “Tây tiến”, khi phân tích câu thơ : “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”, có học sinh đã viết: “Trong điều kiện thiếu ăn như vậy, các anh chiến sĩ sẽ bắn cọp để cải thiện bữa ăn! Được ăn thịt cọp các anh sẽ đầy đủ chất dinh dưỡng vì thịt thú hoang dã rất quí hiếm…” Và hài hước thay, “nhiều giám khảo môn Văn cho biết, hầu hết các bài ngô nghê kiểu này đều được chấm điểm khá cao vì “sát đáp án”. Thậm chí, nhiều bài thi sai gần 30 lỗi chính tả giám khảo cũng không được trừ điểm vì hướng dẫn đáp án của ĐBSCL… không cho trừ!”
Năm nào cũng có những bài văn ngô nghê chứ không phải năm nay, ở đâu cũng có chứ chẳng riêng nước ta. Nhưng không ở đâu, không năm nào lại có một hướng dẫn chấm thi, một biểu điếm phỉ báng văn chương, làm ô uế cả ngành giáo dục như năm này. Thật đắng cay và nhục nhã, không biết nói lời nào khác hơn.
Bệnh thành tích là căn bệnh toàn xã hội, ở ngành giáo dục bệnh này lại càng trầm trọng. Thật kì cục, cứ mỗi lần ngành giáo dục hô hào cai nghiện thì sự nghiện ngập lại nặng nề hơn. Đến bây giờ, qua kì thi tốt nghiệp PTTH lần này, và khi nhìn vào dự án của Bộ GD&ĐT nhằm xây dựng các trường đại học có chất lượng, người ta đã chưng ra cái tên: “Xây dựng các trường đại học xuất sắc”, thì có thể nói ngay, ngành giáo dục nghiện ngập thành tích nặng lắm rồi, hết thuốc chữa. Than ôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét