Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

ÁM ẢNH hay ẤN TƯỢNG??

Chuyện khi tôi chưa ra đời…

Bộ phim “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh được sản xuất và trình chiếu trước khi tôi ra đời đến 5 năm. Nội dung phim không ăn nhập với đề tài tôi sẽ đề cập dưới đây nên tôi không trích giới thiệu.
Nhưng bộ phim có hai hình ảnh để lại trong tôi ấn tượng. Đó là diễn viên Lan Hương và hình ảnh thấp thoáng xuất hiện trong phim của những người mặc áo cảnh phục màu vàng. Dĩ nhiên, trong phim là màu sáng bởi đây là phim đen trắng.

Cho đến bây giờ, diễn viên Lan Hương đã là bà mà có rất nhiều người gặp vẫn gọi một cái tên rất đổi dễ thương ”em bé Hà Nội”. Xin các nhà phê bình điện ảnh bỏ qua cho cái lỗi “múa rìu qua mắt thợ”…Một Lan Hương thực sự ấn tượng…một em bé thực sự ấn tượng và gây xúc động với rất nhiều người.
Hình ảnh thứ hai được nhắc đến đó là những người công an. Dưới những trận bom, mà người Mỹ dội xuống miền Bắc trong chiến dịch LinebakerII, hình ảnh người công an đã được “vẽ” nên một hình tượng. Dẫu là ý đồ của đạo diễn đi chăng nữa thì ít nhiều những người công an thời đó, thế hệ công an thời đó đã có thể tự hào.
Chuyện sau khi tôi ra đời và lớn lên…
Tôi thích đọc truyện trinh thám. Với những thám tử lừng danh đã đi vào văn chương, nghệ thuật thì ít nhất cũng có chút nguyên mẫu ngoài đời. Trong số những thám tử ấy có không ít nguyên mẫu là những người làm công an. Thật oai biết bao! Dũng cảm và mưu trí, nhạy bén và lanh lợi…đủ tố chất để gây ấn tượng mạnh cho những ai thích phiêu lưu.
Hẳn ai cũng biết, theo thời gian, xã hội phát triển. Mối quan hệ xã hội phức tạp hơn lên, bằng chứng thể hiện là các hiện tượng xã hội rắc rối xảy ra càng nhiều. Và để lập một trật tự cho xã hội cần có những nguyên tắc, quy tắc ứng xử chung. Và để bảo vệ “những nguyên, quy tắc” đó cần phải có một lực lượng – đúng ra là hình thành một thứ công cụ mới – tồn tại song song với những bộ quy tắc nói trên, đó là lực lượng Công An.
Hình ảnh, hình tượng theo thời gian có thể phai mờ đi, nhưng cũng có thể sâu đậm hơn lên. Thoái hóa hay tiến triển? Đó chính là điều tôi muốn nói.
Tại sao trước đây công an họ tốt thế, bây giờ họ lại tệ thế? Câu hỏi này không phải bắt đầu từ tôi, nó có từ khi tôi chưa ra đời đấy chứ?
Thường trong một gia đình đông con, sẽ có đứa trẻ được nuông chiều. Đứa trẻ này sẽ có những biểu hiện là “lợi dụng các lợi thế bản thân”. Có thể đứa trẻ này sẽ trưởng thành khá nhất, nhưng phần lớn sẽ trở nên hư hỏng nhất bởi sự cưng chiều.
Trong mối quan hệ xã hội ở ta, công an được coi như “đứa trẻ được nuông chiều”. Hình ảnh ngây thơ hay ngoan ngoãn của đứa trẻ dần mất đi. Thay vào đó là sự nhõng nhẽo, làm nũng, thậm chí làm mình làm mẩy và đi đến chỗ hư hỏng.
Phải chăng, “đứa trẻ” tự đánh mất sự ngoan ngoãn? Không hẳn thế!
Từ chỗ là công cụ, chính lợi thế dành riêng cho công cụ (hay nói cách khác là đặc quyền) đã làm mất đi tính năng ban đầu của công cụ chăng?
Người Pháp “gây” với người Ý trong lịch sử cận đại. Một tổ chức của người Ý mà ban đầu là rất “sáng sủa” và “minh bạch’. Tổ chức này với tên gọi tắt ban đầu là Mafia. Và rồi cho đến hôm nay, nhắc đến từ 3 âm tiết đó, người ta nghĩ đến các tệ nạn như: buôn lậu ma túy, tống, rửa tiền và thậm chí thọc tay sâu vào chính trị. Lũng đoạn cả nhiều chính thể trên thế giới. Trước đây, người Ý tự hào khi nhắc đến từ này. Nay thì ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới khi nhắc đến tổ chức này là cả sự ái ngại kèm theo.
Có lởm khởm không khi so sánh sự thoái hóa của tổ chức này với “công cụ bảo vệ pháp luật” ở ta???
Trên danh nghĩa ta có thể hiểu, một tổ chức bị thoái hóa , biến chất, hướng đi ngược lại hoàn toàn với mục tiêu ban đầu…đó là Mafia.
Còn công an?
Xin thưa, các anh ấy sẽ không đồng ý bất cứ kết luận nào ngay cả khi có luồng dư luận cho rằng họ đã thoái hóa.
Họ sẽ biện minh, rằng đó chỉ là một vài hiện tượng đơn lẻ, không nên đánh đồng tất tần tật. Khốn nỗi, ai cũng muốn ĐƯỢC hiểu như thế lắm. Và ở đời thì người ta lại thường xem xét sự việc theo kiểu “một lần ị bậy, sau thấy c.. bị gọi đến”.
Bắt đầu từ những hình ảnh “đẹp đẽ” là thế, xây dựng hình tượng điển hình thành công đến thế?? Sao sự “nhân rộng” cái tốt không vì thế mà tăng lên? Nếu không muốn nói là giảm “điểm” và dần mất hẳn.
Tại sao?
Một người che mảnh bom cho đứa trẻ dưới hầm.(Trước) – (Cảnh trong phim “Em bé Hà Nội”)
Một kẻ đánh trẻ em đến phải cấp cứu.(Sau) – http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/06/cau-be-11-tuoi-nhap-vien-sau-khi-tro-ve-tu-don-cong-an/
Một đứng bục giảng của lớp chuyên biệt. – (Các thầy cô là công an trong các trường giáo dưỡng)
Một múa kiếm sân bay. – http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2007/08/3b9f93f0/
Một nhặt được của rơi, tìm người trả lại. – http://www.baomoi.com/Nhat-duoc-25-trieu-dong-tra-lai-nguoi-mat/121/6110011.epi
Một đứng chờ xe tới, chỉ việc ngửa tay ra. – (Vụ này search Google chắc cho ra cả chục ngàn kết quả cả hình ảnh lẫn video clip)
Thật lòng, ai cũng muốn lưu giữ cho mình một hình ảnh ấn tượng đẹp về họ. Nhưng, chính họ lại cố xóa đi những cái tốt đẹp ấy.
Ai đã một lần có “dịp” tiếp xúc trực tiếp hẳn mới tỏ được nhiều điều. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”
Đẻ con ra, bậc cha mẹ nào chả muốn tất cả con cái trưởng thành, dẫu “bàn tay ngón dài ngón ngắn” hợp nhau lại, bàn tay vẫn đẹp, vẫn biết múa, biết cầm bút và cả cầm búa. Biết hái hoa và ngoéo cò súng khi cần.
Thực lòng trong thâm tâm, muốn nhìn nhận và rất muốn mãi tồn tại cái đẹp cái hay. Nhưng thực chất, càng ngày khi nhắc đến công an, là người ta luôn thấy tính thô bạo và hắc ám.
Tôi thường được nhắc nhở rằng những bài viết của mình đã khiến người khác nghĩ lực lượng công an toàn là người xấu, khiến góc nhìn về ngành này trở nên tiêu cực và u ám.
Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng để thấy được tất cả những điều này, mắt con người không tự vẽ lên được mà chỉ có nhìn. Chứng kiến và trải nghiệm những việc xảy ra xung quanh mình hàng ngày, tốt – xấu, hẳn ai cũng thấy.
Ám ảnh hay ấn tượng – cũng chỉ là kết luận cuối cùng của những gì trải nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét