Khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, mọi người sẽ có cảm giác thế nào? Chuyện ấy sau đây chúng ta sẽ biết ngay thôi. Cách đây vài tuần, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF công bố một bản báo cáo nói là trong vòng 5 năm tới Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong dự đoán đến năm 2016 nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ đã có xét đến sự điểu chỉnh sức mua trong nước căn cứ theo đồng tiền của mỗi nước. Một số người cho rằng cách giải thích các số liệu của IMF có vấn đề, như đã cố tình phóng đại quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng dù sử dụng hối suất thực tế để tính toán thì cũng chẳng đẩy lùi được bao lâu thời hạn nước Mỹ đánh mất vị trí số một thế giới. Trước Lễ Giáng sinh năm ngoái, báo Nhà Kinh tế(The Economist) có đưa ra một dự đoán cho rằng Trung Quốc năm 2019 sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Địa vị Trung Quốc được nâng cao sẽ làm thay đổi định nghĩa về siêu cường thế giới. Trong tiến trình của thế kỷ Mỹ, thế giới đã quen với quan điểm cho rằng nền kinh tế lớn nhất toàn cầu rõ ràng sẽ là quốc gia giàu nhất thế giới. Những người dân của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu nhất định sẽ là những người giàu nhất toàn cầu.
Cùng với việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành siêu cường kinh tế, mối liên hệ giữa sự giàu có của quốc gia với sự giàu có của cá nhân đang bị phá vỡ. Trung Quốc vừa giàu hơn lại vừa nghèo hơn các quốc gia phương Tây. Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ 3 nghìn tỷ USD. Dù vậy nếu tính theo hối suất hiện nay thì tài sản bình quân đầu người của Mỹ vẫn gấp 10 Trung Quốc.
Sự giàu có tương đối của Mỹ so với Trung Quốc là một trong các nguyên nhân làm cho khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thì họ sẽ không trở thành quốc gia giàu mạnh nhất thế giới. Thói quen thế giới coi nước Mỹ là "siêu cường duy nhất" cũng có thể làm cho địa vị chủ đạo về chính trị của Mỹ sẽ duy trì lâu hơn bá quyền kinh tế của họ. Trong các định chế quốc tế lớn, Mỹ có địa vị thâm căn cố đế. Trụ sở của Liên Hợp Quốc, IMF và Ngân hàng Thế giới đều đặt tại Mỹ. Khối NATO cũng được tạo dựng với Mỹ là nòng cốt. Những điều đó rất quan trọng.
Quân đội Mỹ được trang bị công nghệ mạng toàn cầu và các công nghệ mũi nhọn mà quân đội Trung Quốc không thể mơ ước tới. Xét về sức mạnh mềm thì Mỹ cũng vượt xa Trung Quốc. Cho tới nay Trung Quốc còn chưa sáng tạo được những sự vật có thể sánh được với Hollywood, Thung lũng Silicon hoặc Giấc mơ Mỹ.
Ảnh minh họa: truyền hình Việt Nam |
Cho dù sức mạnh kinh tế và chính trị không phải cùng là một sự vật nhưng hai cái này lại có liên quan chặt chẽ với nhau. Cùng với việc Trung Quốc ngày một giàu lên thì ảnh hưởng của họ cũng ngày một tăng theo. Trong chuyến đi thăm Sao Paulo gần đây tôi thấy một quan chức ngoại giao cấp cao Brazil nói thẳng thắn là so với Mỹ thì bạn làm ăn kinh tế lớn nhất của Brazil hiện nay là Trung Quốc xa xôi càng quan trọng hơn với Brazil. Tân Tổng thống Brazil Dilma Rousself chọn Bắc Kinh là điểm đến thăm đầu tiên của mình chứ không phải Washington. Buôn bán và đầu tư của Trung Quốc còn tăng đáng kể ảnh hưởng của họ tại châu Phi và vùng Trung Đông.
Các nước ở gần Trung Quốc cảm thấy chịu tác động mạnh mẽ nhất từ các vấn đề chính trị gây ra bởi sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Giờ đây Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia phát hiện họ đang có sự bất đồng với Trung Quốc về lợi ích kinh tế và chiến lược. Ba quốc gia này đều có những mối liên hệ kinh tế quan trọng nhất với Trung Quốc, liên hệ quân sự quan trọng nhất với Mỹ. Nếu Trung Quốc quá ư cậy thế bắt nạt kẻ khác (năm ngoái họ đã thể hiện dấu hiệu như vậy) thì những người bạn tại châu Á của Washington có thể tạm thời ôm chặt chú Sam hơn nữa. Nhưng cùng với sự dịch chuyển của thời gian, sức mạnh kinh tế không ngừng tăng của Trung Quốc sẽ tạo ra sức ép ngày một lớn về chính trị.
Châu Á giờ đây đang hăng hái bàn thảo về chuyện làm thế nào để thích ứng với "Vành đai văn hoá chữ Hán (Sinosphere)" đang trỗi dậy. Cựu Bộ trưởng ngoại giao Singapore ông Kishore Mahbubani nói: Người châu Á "biết rằng sau đây 1000 năm nữa Trung Quốc vẫn ở châu Á, nhưng chúng tôi chẳng biết sau đây 100 năm nước Mỹ có còn ở đây nữa hay không."
Sức mạnh của Trung Quốc cộng thêm nỗi lo về khoản nợ công ngày một cao đáng sợ của Mỹ, EU và Nhật sẽ thách thức tư tưởng của phương Tây về mối quan hệ giữa dân chủ với thành công kinh tế. Kể từ cuối thế kỷ XIX Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới đến nay, các nền kinh tế lớn mạnh nhất thế giới đều là các quốc gia dân chủ. Nhưng nếu Trung Quốc trong 10 năm tới vẫn duy trì chuyên chính một đảng thì sự thực kể trên sẽ có thay đổi. Cùng với sự việc quốc gia theo chủ nghĩa uy quyền một lần nữa trở nên phổ biến, khẩu hiệu "Tự do làm nên tất cả (Freedom works) mà phương Tây tự tin sẽ bị thách thức.
Song le ở vào một giai đoạn nào đó, Trung Quốc tự mình cũng có thể gặp nguy cơ. Trong tương lai, chế độ kinh tế và chính trị của họ có thể sẽ có sự thay đổi đáng sợ. Kinh tế Trung Quốc không thể vô hạn tăng trưởng với tốc độ 8-10% hàng năm. Trung Quốc còn sẽ gặp các vấn đề đáng sợ về dân số và môi trường. Chủ nghĩa uy quyền của Trung Quốc ngày càng tỏ ra không thích hợp trong thế giới hiện nay - phản ứng kinh hoàng của đảng Cộng sản trước các cuộc nổi dậy của nhân dân A Rập là một minh chứng. Nhưng sự hình thành chế độ dân chủ Trung Quốc cuối cùng sẽ đe dọa sự thống nhất quốc gia, vì phong trào dân tộc ở Tây Tạng và Tân Cương sẽ nổi lên theo.
Nếu chẳng may Trung Quốc xảy ra khủng hoảng kinh tế và chính trị thì sự mô tả Trung Quốc của phương Tây sẽ đột nhiên thay đổi. Một số người sẽ nói "Chuyện thần kỳ Trung Quốc" (China miracle) trong 30 năm qua là hão huyền. Nhưng nói thế cũng là sai lầm.
Cuộc luận chiến về tương lai của Trung Quốc có nguy cơ ngày một phân hóa hai cực, điều đó là vô nghĩa. Một phía cho rằng Trung Quốc là siêu cường thế giới đang trỗi dậy. Phía bên kia thì khăng khăng nói Trung Quốc về bản chất là một quốc gia không ổn định, có thể xảy ra khủng hoảng kinh tế và chính trị. Thực ra hai suy nghĩ ấy đều đúng cả. Trung Quốc sẽ trở thành một siêu cường kỳ lạ.□
- Nguyên Hải dịch theo Financial Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét