Phạm Anh Tuấn - Lại thức thâu đêm để xin học cho con...Lại bắc ghế, trải chiếu thức trắng đêm giành suất học mầm non ... Lại tái diễn cảnh thức trắng đêm xin học cho con... Nếu trên trái đất này còn có dăm ba đất nước cũng lâm vào cảnh này thì có thể tạm an ủi với nhau rằng nỗi khốn cùng này không dính dáng gì đến bản chất của nền giáo dục. Nhưng không! Và đó chính là một nỗi nhục! Điều khủng khiếp là nỗi nhục này dứt khoát không thể rửa được. Dứt khoát không thể rửa được chừng nào mà người ta không thể đổ lỗi cho một ai hoặc có thể đổ lỗi cho bất cứ ai hoặc không thể đổ lỗi cho tất cả hoặc có thể đổ lỗi cho tất cả ...!
Nên nhớ rằng giáo dục không giống như các lĩnh vực khác, chẳng hạn, kinh tế. Một nền kinh tế có thể sụp đổ, nhưng nền giáo dục không bao giờ sụp đổ. Giáo dục chỉ hiện đại hoặc lạc hậu. Nhưng đó chính là yếu tố tạo nên bi kịch giáo dục: trong mọi hoàn cảnh, dù tình hình có tồi tệ như thế nào đi nữa người ta vẫn tìm thấy những lý do để chống đỡ, bao biện. Nền giáo dục có thể tìm thấy hi vọng tiến bộ nếu nó có một ông bộ trưởng biết tuyệt vọng. Chứ không phải một ông bộ trưởng mừng rơn vì may quá ngôi nhà thế mà chưa sập!
Nếu mỗi phụ huynh ở đất nước này giống như anh chàng trong câu chuyện mang tính ngụ ngôn nọ phải ra sa mạc đào một cái hố rồi nói vào đó cho vơi nỗi bức xúc thì chỉ trong một thời gian ngắn trên khắp đất nước này chúng ta sẽ có hàng vạn cái ... ao!
Nhưng, ơn Chúa, chuyện này đến nay vẫn chưa xảy ra ... ít nhất cho tới sang năm ...
*
Thức thâu đêm để xin học cho con
TPO - Từ 7h tối qua (30-6), hàng trăm người dân Hà Nội đã xếp hàng để đăng ký cho con vào học trường mầm non. Tuy nhiên cho đến 9 giờ sáng nay (1-7) vẫn còn nhiều người dân không thể đăng ký được chỗ học cho con em mình vì đã hết chỉ tiêu.
Từ 7 giờ tối qua (30-6) đã có hàng trăm người dân xếp hàng tại cổng trường mầm non Thành Công A
(Ba Đình). Ảnh: Minh Đức
Nhiều cổng trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đều đông nghịt người. |
Vật vã chờ đợi thâu đêm trên vỉa hè. |
Phải dùng loa để hướng dẫn và giữ gìn trật tự.
Trong số những phụ huynh này, có khá nhiều người phải về không vì đã hết chỗ đăng ký. |
Minh Đức
*
Trắng đêm xếp hàng cho con vào... mẫu giáo
TPO- Mới 7h tối nhưng cổng trường mầm non Chu Văn An, trường Mầm non Bình Minh, cơ sở 2, phường Thuỵ Khuê – Tây Hồ - Hà Nội đã chật ních người. Bà, mẹ và cháu đã “phục” ở đó để đợi mua bằng được hồ sơ cho con vào… sáng sớm ngày mai.
Chen chúc mua hồ sơ cho con tại trường mầm non Bình Minh. Ảnh: Đỗ Hợp |
Được biết, hôm nay 1 – 7, các trường mầm non trên địa bàn thành phố HN bắt đầu mở cửa bán hồ sơ nhập học cho các cháu. Nhưng ngay từ tối đêm 30/6, các trường mẫu giáo ở Thanh Xuân Bắc, Chu Văn An, Bình Minh,... đông nghịt người ngồi vật vã chờ đợi.
Năm nay, nhà trường mầm non Bình Minh tuyển 180 trẻ tại hai cơ sở. Vì số trẻ muốn vào học trường này luôn cao hơn chỉ tiêu nên năm nào, các bậc ông bà, cha mẹ cũng phải xếp hàng từ đêm trước để chờ đến lượt mình.
Chị Đỗ Minh Nguyệt (Thụy Khuê) đợi từ 10h tối hôm qua đợi đến 8h sáng hôm nay để được gọi tên: “10h tối mà đã số 31 rồi, chắc gì đã được. Đầy người đi từ 9h nhưng sáng nay chắc vẫn về không, ngồi đợi ở đây thì đợi cho vui thôi”.
Sáng nay trong giờ bán hồ sơ, đầy vị phụ huynh đứng ngồi không yên, nhiều bà già, phụ nữ mang bầu, trẻ em theo mẹ đã thức trắng đêm xin học cho con. Nhiều người nóng nực quạt lấy quạt để, nhiều người mệt mỏi ngồi chờ đọc tên.
Đứng ngồi không yên. |
Trường Mầm non Chu Văn An cũng trong tình trạng đông nghịt. Quy định của trường này chỉ nhận 12 đơn cho lớp mẫu giáo bé và 70 đơn cho lớp mầm non đã làm cho gần 200 phụ huynh phường Thuỵ Khuê phải thức trắng đêm chờ xếp hàng để mua được hồ sơ. Được thông báo là 7h30 sáng 1/7 mới bán hồ sơ nhưng nhiều phụ huynh bám trụ đón... bình minh.
Bà Hoàng Thị Tuyết, 65 tuổi, ở Tây Hồ cũng phải túc trực, đi lại qua khu vực trường mầm non Chu Văn An đến chục lần. Vì ngày mai chính thức bán hồ sơ nên hôm nay (30 – 6) ăn cơm chiều xong là bà lục đục mang chiếu, nước, quạt ra cổng trường ngồi “trực”.
“Không chầu trực thế này thì còn lâu mới mua được hồ sơ chị ạ, mặc dù mình đúng tuyến có hộ khẩu tại phường đi chăng nữa, phường này có đến gần 200 cháu mà họ chỉ tuyển có 82 cháu, căng như thi ĐH” – bà Tuyết bộc bạch.
Đối với anh Lê Văn Hoàng, đây là năm thứ hai phải “trực chiến” như thế này: “Cũng một phần là do trường mới xây dựng được cơ sở vật chất khang trang hơn lại đạt chuẩn quốc gia. Các địa điểm khác đều bị dồn lại thành một nên dù rộng cũng vẫn phải hạn chế tuyển sinh. Trong khi đó nhu cầu thì không thể hạn chế được nên mới phải làm thế này”- anh Hoàng cho biết.
Đỗ Hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét