Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

BA MƯƠI SÁU NĂM MỚI CÓ MỘT NGÀY!

Nói gì thì nói, chắc chắn nhiều người phải công nhận ngày 5 tháng 6 năm 2011 vừa qua là NGÀY LỊCH SỬ mà 36 năm qua toàn dân Việt Nam mới có được!
Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình theo lời kêu gọi trước đó của Nhóm Nhật Ký Yêu Nước (NKYN).
Theo bài viết “Yêu nước trong nỗi sợ hãi” của nữ đạo diễn Song Chi thì, “Trang Nhật Ký Yêu Nước, tập hợp một số bạn trẻ trong và ngoài nước, đã đăng lời kêu gọi tuần hành ôn hòa phản đối Trung Cộng vào ngày 5 tháng 6. Muốn bày tỏ lòng yêu nước, các bạn cũng phải rào trước, đón sau. Từ cách dùng từ ngữ như chỉ dùng từ tuần hành ôn hòa mà tránh dùng chữ biểu tình vốn bị Nhà Nước VN kiêng kỵ! Như nêu rõ mục đích chỉ nhằm chống TQ, dùng những “lá chắn” là cờ đỏ sao vàng, hình HCM… và “la làng” ngay khi thấy Việt Tân lên tiếng ủng hộ cuộc biểu tình.”

Tác giả chua chát viết tiếp:
“Rõ ràng là Đảng Và Nhà nước CSVN đã rất thành công trong việc làm ngườid ân sợ hãi, tránh xa mọi sự liên kết với các tổ chức, đảng phái chính trị. Cho dù sau đó đảng Việt Tân cũng đã lên tiếng “nói lại,” khẳng định Nhật Ký Yêu Nước đúng là chẳng có liên quan gì đến Việt Tân, và hành động của Việt Tân cũng chỉ nhằm góp một tay vào phong trào phản đối Trung Quốc. Nhưng cũng rất nhiều người rút lui, không muốn đi biểu tình.”
Mấy trăm người xuống đường biểu tình ở Hà Nội. Hàng ngàn người xuống đường biểu tình ở Sàigòn miền Nam. Cáchãng thông tấn AP, AFP, Reuters và các trang mạng của đài VOA, BBC, RFA và nhiều tờ báo điện tử tại hải ngoại loan tin. Trong khi đó thì hãng thông tấn của Đảng và Nhà Nước ta lại giở trò bịp bợm là các hãng thông tấn ngoại quốc đã loan tin thất thiệt! Đúng là nói dối như VẸM!
*
Có thể nói “những hạt lúa tranh đấu bất bạo động” “Tự do Tôn giáo hay là chết!” mà linh mục Nguyễn Văn Lý đã gieo xuống cánh đồng trước nhà thơ Nguyệt Biều cách đây 11 năm đã bắt đầu đơm bông.
Những người trẻ của nhóm NKYN đã triển khai “phương pháp tranh đấu bất bạo động” của Thánh Mahatma Gandhi bằng sự khôn ngoan, khéo léo tuyệt vời.  
Đây cũng chính là phương pháp tranh đấu mà linh mục Nguyễn Văn Lý đã kêu gọi vào năm 2000.
Và trong nhiều năm qua, Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng đã nhiều lần kêu gọi tranh đấu bất bạo động với CSVN.
*
Mahatma Gandhi là người cách đây hơn 50 năm đã lãnh đạo toàn dân Ấn Độ giành được độc lập từ tay Anh Quốc. Mahatma Gandhi tên thật là Mohandas Karamchand Gandhi, sinh này 2-10-1869 ở thị trấn Porbamdar, bang Gujarãt, nước Ấn Độ. Mahatma trong tiếng Ấn Độ có nghĩa là “Cái Hồn Vĩ Đại” đồng nghĩa với chữ “Great Soul” trong tiếng Anh. Thân phụ là Kaba Gandhi, một viên chức Ấn làm việc cho người Anh. Gandhi theo học về ngành luật và tốt nghiệp luật sư tại Anh Quốc. Trong thời gian theo học ở Anh Quốc, Gandhi học thêm tiếng Pháp, tiếng La-tinh và các ngoại ngữ khác. Trong thời gian này ông quen biết nhiều bạn bè trong giới sinh viên và chính những bạn bè này sau đó trở thành những con người có thế lực đã giúp đỡ rất nhiều cho Gandhi trong việc tranh đấu cho sự bình đẵng của người Ấn và cho nền độc lập của Ấn Độ.
Tháng 7 năm 1891, Gandhi trở về Ấn Độ. Phần vì mới ra trường, phần vì nhu cầu về luật pháp của dân Ấn lúc đó quá ít nên Gandhi, theo sự sắp xếp của người anh cả sang Nam Phi, khi đó cũng là thuộc địa của Anh. Tại đây, vì nhận thấy người Ấn bị coi như công dân hạng hai, dù giàu có cách mấy  cũng không được mua vé xe lửa hạng nhất hoặc ở các khách sạn dành riêng cho người da trắng, bước vào tòa án phải bỏ khăn vấn đầu. Đối với người Ấn theo đạo Hồi rất tôn trọng khăn vấn đầu vì đó là biểu tượng của trí tuệ, thần linh. Gandhi đã tranh cãi kịch liệt với tòa án Nam Phi về các việc này và cuối cùng tòa án phải nhượng bộ. Chính những việc làm này của Gandhi đã tạo nên một tiền lệ. Việc này đã tạo nên một phong trào đòi quyền bình đẵng của người dân Ấn ở Nam Phi.
-Năm 1906, Gandhi đã lãnh đạo hàng ngàn người Ấn kéo về thành phố Johanesburg chống lại việc chính quyền Anh ở Nam Phi dự định kiểm tra dân số Ấn ở đây. Trong hơn 7 năm tranh đấu, Gandhi đã bị vào tù ra khám nhiều lần. Cuối cùng, chính quyền Anh ở Nam Phi phải nhượng bộ và điều đình vào năm 1913.
-Năm 1914, trở về nước lãnh đạo toàn dân Ấn đấu tranh giành lại độc lập từ tay Anh Quốc. Bị vào tù, ra khám nhiều phen vì “tội xúi dục quần chúng nổi loạn.” Cuối cùng, Anh Quốc phải trao trả độc lập cho Ấn Độ vào ngày 15 tháng 8 năm 1947…
*
Trong bài phỏng vấn của một đài phát thanh ở hải ngoại cách đây 10 năm, linh mục Nguyễn Văn Lý đã cho biết: “… Cuộc đấu tranh của tôi bắt đầu nó mang tính điển hình như của Thánh Gandhi Ấn Độ, đã dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động để đòi độc lập cho Ấn Độ với đế quốc Anh trong thế kỷ 20 nầy. Tôi đã học để rút lấy bao nhiêu kinh nghiệm tinh hoa của vị Thánh Gandhi ấy…” Và trong thư “Giải thích Lời kêu Gọi số 2 ngày 08-12-2000, linh mục Nguyễn Văn Lý cũng đã giải thích: “… Trên đây là Phương Pháp Đấu Tranh Bất Bạo Động của Thánh Mahatma Gandhi Ấn Độ đã áp dụng thành công tuyệt vời giữa thế kỷ 20 nầy, đã giành được Độc lập Thực Sự cho Ấn Độ mà không hề tốn một viên đạn kim loại nào, làm cho Đế quốc Anh vừa phải trao trả độc lập cho Ấn Độ, vừa hết lòng khâm phục Ngài. Nay tôi cải tiến đôi chút cho phù hợp với hoàn cảnh VN hôm nay mà thôi.”
*
Để góp phần làm sáng tỏ phương pháp đấu tranh bất bạo động của Thánh Gandhi mà linh mục Nguyễn văn Lý đề cập một cách vắn tắt trong bài phỏng vấn cũng như trong phần “giải thích lời kêu gọi” gửi ra hải ngoại của Ngài, chúng tôi đã trình bày sơ lược tiểu sử và quá trình hoạt động của Mahatma Gandhi – cha đẻ của chủ thuyết “Bất Bạo Động”.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin trình bày một cách vắn tắt về “chủ thuyết bất bạo động” theo chính Thánh Gandhi đã giải thích trong quyển “Tự Truyện” do chính Ngài viết ra. Theo Thánh Gandhi, tiếng Anh gọi chủ trương của Ngài là “Passive resistance” tức “phản kháng thụ động” là một chuyển ngữ sai lầm, nhưng theo Thánh Gandhi thì Ngài cũng chưa tìm được một chữ khác. Thánh Gandhi đã giải thích chuyện này trong quyển “Tự Truyện” do chính Ngài viết ra. Theo Thánh Gandhi thì phương thức đấu tranh đó tiếng Hindu gọi là Satyãgraha. Đó là một chữ kép. Saty có nghĩa là chân lý, và ãgraha có nghĩa là sự kiên trì đến kỳ cùng. Trong quyển “Lịch sử tranh đấu bất bạo động tại Nam Phi”, Thánh Gandhi cũng đã nói rõ Satãgraha không có nghĩa là thụ động hoặc không làm gì cả. Mà nó là sự chủ động tấn công đối phương bằng toàn lực của ta, nhưng không phải để tiêu diệt đối phương, hoặc làm đối phương phải đổ máu.
Sở dĩ chúng tôi phải lặp đi, lặp lại giải thích của Thánh Gandhi về “chủ thuyết bất bạo động” vì trong thời gian vừa qua, trong quá trình tranh đấu chống lại chủ nghĩa Cộng sản bạo tàn đang thống trị quê hương có những kẻ sợ hãi đấu tranh, sợ hãi sức mạnh bạo lực của đối phương mà chúng ta muốn đấu tranh chống lại, những kẻ đó hay núp dưới chiêu bài “bất bạo động.” Khi không dám đấu tranh chống lại một thế lực bạo ngược, phi chính nghĩa, phi dân chủ, bóp nghẹt tự do; người hèn nhát không dám làm gì và cho rằng họ là người theo chủ trương bất bạo động. Đó là một sự ngụy biện nhằm che giấu sự bất lực của họ ở cả trong tư tưởng lẫn hành động bên ngoài. Đó là sự đầu hàng toàn diện của họ đối với bạo lực và với chính bản thân họ. Satyãgraha là sự tranh đấu đến kỳ cùng cho chân lý, cho mục tiêu chính đáng mà người ta cần phải đạt tới.
*
So sánh những việc làm của Thánh Gandhi hơn 50 năm trước trong cuộc tranh đấu giành lại độc lập cho Ấn Độ với công cuộc tranh đấu của linh mục Nguyễn Văn Lý tại Việt Nam hiện nay chúng ta thấy có những điểm tương đồng như linh mục Nguyễn Văn Lý đã không nhượng bộ nhà cầm quyền CSVN trong việc rút lại Tuyên Ngôn 10 Điểm đòi Tự Do Tôn Giáo – cũng giống như Thánh Gandhi đã tranh đấu không chấp nhận việc phân chia giai cấp của chính quyền Anh Quốc đối với dân Ấn sống ở Nam Phi đã tạo ra một tiền lệ và sau đó đã trở thành một phong trào tranh đấu.
Công cuộc tranh đấu giành lại độc lập, tự do cho Ấn Độ của Mahatma Gandhi đã được toàn dân Ấn Độ hưởng ứng và đã đi đến thành công qua bao gian lao khổ cực, bị đánh đập, tù đày.
Và linh mục Lý cũng đã và đang áp dụng chủ thuyết bất bạo động của Thánh Gandhi để tranh đấu đòi Tự Do Tôn Giáo cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và cho toàn dân Việt Nam.
Người dân Ấn Độ hơn 50 năm trước đã “lên đường” theo vị lãnh tụ của mình là Mahatma Gandhi đi làm muối. Hàng trăm người lúc đầu, sau đó đã trở thành hàng ngàn, hàng trăm ngàn người… Cuối cùng Đế quốc Anh đã phải trả lại độc lập cho Ấn Độ.
Không ai yêu dân tộc chúng ta bằng chính chúng ta. Đừng trông đợi ở ngoại bang; đừng hy vọng là với sự cầu xin, chúng ta có thể làm cho kẻ dữ phải nới tay; đừng chờ đợi trái trên cây rụng mà phải trèo lên cây tìm cách hái nó xuống. Phải tự mình tranh đấu giành lấy những gì mà mình xứng đáng được hưởng: tự do, dân chủ, nhân quyền…
Linh mục Nguyễn Văn Lý đã cắm 2 tấm bảng đòi “Tự Do Tôn Giáo” giữa cánh đồng làng Nguyệt Biều và đã rải xuống ruộng lúa những hạt lúa Tự Do.
*
Những người trẻ của nhóm NKYN bằng trí thông minh sáng tạo tuyệt vời đã tổ chức thành công cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 năm 2011 vừa qua.
Ngày 5 tháng 6 năm 2011 chắc chắn rồi đây sẽ là NGÀY LỊCH SỬ – NGÀY YÊU THƯƠNG, ngày của tuổi trẻ Việt Nam lên đường tranh đấu theo phương pháp bất bạo động của Thánh Gandhi mà linh mục Nguyễn Văn Lý đã phát động vào năm 2000.
Xin chúc các bạn trẻ sẽ có một mùa gặt bội thu để toàn dân Việt Nam ĐÒI LẠI QUYỀN LÀM NGƯỜI mà đảng CSVN đã tước đoạt hơn 60 năm qua!
LÃO MÓC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét