Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Trao đổi về "thời cơ vàng, vận hội mới" với ông Nguyễn Trung

Trần Kỳ
 
Thưa ông Nguyễn Trung.
Tôi đọc và nghiên cứu kỹ những phát kiến của ông trên mấy số báo Tuổi trẻ từ số thư năm ngày 12-1-2006 đến số thứ sáu ngày 10 tháng 2-2006 với nhiều tiêu đề khác nhau. Tôi xin đước gói gọn trong bài trao đổi của tôi với ông trong tiêu đề "Thời cơ vàng, vận hội mới". Quả thật bài phát biểu của ông làm tôi mất ngủ. Tôi lo lắng cho sự sống còn của Đảng Cộng sản VN một phần, còn tôi "khoái" vì bài của ông đã gãi đúng chỗ đau của những người con dân nước Việt.
Đã có người thay mặt mọi người dám nói lên một phần sự thật, góp ý kiến vào văn kiện đại hội Đảng. Ý kiến của ông trên những số báo tuổi trẻ đã dấy lên những dư luận khá xôn xao trong đời sống tinh thần của những ngày sau tết. Vấn đề ông nêu lên không mới. Nói đúng ra là "khổ lắm! biết rồi! không dám nói!".
Tuổi già giọt lệ như sương, suy ngĩ một đêm mất ngủ cũng làm tôi vóc hạc, mình mai có phần giảm thọ. Song, không nói ra trong lòng tôi bất an, chết không nhắm mắt. Ông cho phép tôi chỉ trao đổi riêng với ông thôi. Ý kiến của tôi hơi nghịch nhĩ, công khai e khá phiền. Vì, như cụ Nguyễn Tuân đã từng nói: "Tôi sống đến ngày nay, vì tôi biết sợ". Còn tôi, thưa ông, tôi chỉ là một cán bộ quân đội nghỉ hưu. một công dân loại hai, nói ai nghe. Tôi cũng là con cháu "nhà cáy " mà thôi. Tôi nói với ông hôm nay, chính là núp dưới bóng cây đại thụ để uốn ba tác lưỡi cùng vài ba giòng chữ góp ý với ông.
Bac Hồ, Bác Tôn, bác Nguyễn Lương Bằng... hằng hà sa số những vị lãnh đạo của Đảng ta nằm xuống trong bộ đại cán đã sờn, cùng hai bàn tay trắng. Các vị chỉ để lại cho con cháu đất nước độc lập thống nhất, giang sơn gấm vóc hiện nay mà ta đang tự hào. Các vị đẫ được gì, mất gì trong cuộc đấu tranh quyết liệt, thảm khốc với đế quốc, thực dân.
Trong các vị lãnh đạo nhà nước ta hiện nay đã có ai xuống đồng tát nước cùng bà con nông dân? Đã có ai cùng kéo lưới với các ngư dân trên bãi biển?... Các vị đứng trên bục trong ánh sáng điện chói loà, với những băng khẩu hiêu đỏ chói, chiếc đầu óng mượt, bóng nhẫy, với chiếc cổ cồn, ca-vát sang trọng dậy đời mọi lĩnh vực; kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật... dậy người tế thế, an bang. Ghê thật! đáng khâm phục thật ! Trên đời, ai cũng vậy, chỉ giỏi trong một hai lĩnh vực. Chứ đâu như các vị - một pho bách khoa toàn thư? Và, bài diễn hôm nay như ngày hôm qua. Bài diễn ở địa phương Quảng Ngãi như bài diễn ờ Hải Phòng... Luôn hô hào: do dân, vì dân. Câu khẩu hiệu rỗng tuếch mà Cụ Khổng đã nói cách đây 2000 năm "dân vi quý"
Thử hỏi các vị từ trung ương đến Bộ chính tri có ai dừng lại một ngôi nhà, một chiếc xe? hay: "... ba vợ, bốn nhà vẫn là trung ương,
con rơi, con vãi đầy đường... ", "... Xe cha đi trước, xe con đi sau... " còn nhiều, nhiều lắm...
Chinh vì vậy, Đảng ta đã tự mình làm mất mình. Mỗi khi thấy các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đăng đàn diễn thuyết, nhiều người lập tức tắt phụt ti- vi. Điều đó nói lên sự tín nhiệm, lòng yêu mến Đảng? Đau đớn thay!
Như vậy, trong lớp những nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ xưa đến nay có thể phân làm hai loại: Loại vì dân, vì nước – Loại vì mình! Các vị đều là cộng sản cả đó. Nhưng sao khác nhau đến thế?
Tôi nói vậy, phải chăng chỉ để thoả nỗi bức xúc, bực bội. Nhưng xin ông "hạ phóng" ra ngồi ở các quán nước, các tiệm bia... chúng ta sẽ nghe thấy những điều đáng xấu hổ mà bà con nói về Đảng, về Nhà nước. Tôi hiểu, dù sao trong bài của ông còn có nhiều góc cấm. Chính vì vậy, ông huy động trí tuệ của mọi người để có thể " dĩ bất biến, ứng vạn biến" tạo nên sự đóng góp hữu hiện cho sức nặng của sụ đóng góp của mình vào báo cáo đại hội Đảng. Thật, kính phục lắm thay!
Thưa ông Nguyễn Trung.
Ông là một nhà ngoại giao, một nhà lý luận lại là một quan chức đang tại chức có tên tuổi. Lời nói, sự góp ý của ông ít nhiều làm các nhà đương chức chú ý, trân trọng. Bạo gan xin hỏi ông đã nói hết nỗi búc xúc trong lòng mình chưa? Tôi dám bảo đảm là chưa!
Còn tôi năm nay 76 tuổi, gần đất xa trời rồi, không còn một chút tham vọng nào. Hơn nữa do bệnh tật và cũng do... tôi đã xin nghỉ sinh hoạt Đảng. Tôi vào Đảng từ 1948, chính thức 1949, đạt chân trên khắp các chiến trường Trung Nam Bắc, Lào, Căm-pu–chia, đạp bằng Thập Vạn đại sơn sang Trung Quốc, vượt Si-bê-ri sang Nga thọ giáo... Là một đứa nhỏ 16 tuổi đi chưa vững, Đảng đã biến tôi thành người chỉ huy trong quân đội bách thắng. Đối với Đảng tôi nặng ân tình biết bao, nặng duyên tơ biết bao, vinh quang biết bao và cũng đau dớn biết bao. Lờp người như chúng ta ngày đó, tôi đã trao đổi với nhiều nhà tổ chức, cán bộ trong quân đội. Họ đều xác nhận các chiến sĩ ta gian khổ, hoặc bị địch bắt bức đầu hàng thì có. Nhưng chưa hề có ai phản lại Đảng. Trong hàng triệu quân, hàng chục vạn sĩ quan đối mặt với kẻ thù, đố ai tìm ra một tên phản Đảng. Nói như vậy, đẻ ông hiểu đối tác của ông.
Đây, mới chỉ là dạo đầu của bản tổng phổ mà tôi đang dạo để ông nghe. Nói những vấn đề hư hỏng của các đảng viên đang chức, đang quyền thì có đến sang năm không hết. Đóng góp vào báo cáo đại hội Đảng thì nó rộng lớn quá, tôi không dám, chỉ xin trao đổi cùng ông hai định đề: Tổ quốc, Nhân dân và Đảng – Và, mối quan hệ giữa Nhà Nước với Đảng!
Trước khi vào đề, tôi xin được nêu một ván đề ta cùng thống nhát – Hưng, thịnh, suy vong là quy luật của muôn đời. Xã hội hoặc con người đều phải tuân thủ quy luật đó. Triều đại nào dù có anh minh, sáng suốt tới đâu, con người dù có luyện tập, bồi dưỡng đến đâu rồi cũng vong theo quy luật. Chỉ có điều nếu biết nắm quy luật, xã hội đó có thể sẽ trường tồn, con người đó sẽ sống lâu thêm tuổi. Đảng ta, Nhà nước, chúng ta chắc chắn cũng nằm trong quy luật đó. Vì thế:
Đảng phải nằm trong Tổ Quốc, trong Nhân Dân. Tại sao Đảng bắt nhân dân phải ơn Đảng Đảng lại tự vỗ ngực khoe khoang thành tích, chiến công mà quên Nhân Dân đã sản sinh, đã bù trì, bú mớm, chăm bẵm, dang tay che chở trong những năm tháng ấu thơ, để Đảng trưởng thành, mạnh mẽ như ngày nay. Đảng đã nằm trong lòng mẹ Nhân Dân VN vĩ đại. Đảng đã lớn lên trên mảnh đất nghèo nàn, thấm đẫm tình người của Tổ Quốc VN thân yêu của chúng ta. Đảng cùng Nhân dân thừa hưởng truyền thống của ông cha từ ngàn đời nay. Đảng phải biết ơn, tôn vinh Nhân Dân, Tổ Quốc VN chứ! Không có lý con bắt bố mẹ phải biết ơn, khi con khôn lớn thành người?
Tôi chắc không ai phản đối tôi vấn đề này. Và, nêu đồng ý với tôi thì Đảng phải hoạt động trong phạm vi Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước VN. Nếu như vậy thì chắc không có chuyện: cấm đảng viên không được làm giầu, 12 điều cấm đảng viên, một ông Uỷ viên Bộ Chính trị ký lệnh bắt giam một vị tướng đương chức!... Dẫn chứng còn nhiều lắm, nhiều lắm.
Trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược ta phải biết ơn truyền thống tổ tiên, của Bà Trưng, Bà Triệu, của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Khi cách mạng còn trứng nước, khi chúng ta còn mặc quấn xà lỏn, vác trên vai đòn sóc đi đánh giặc, ta đâu có biết đảng Cộng sản? Ta đâu có biết giai cấp công nhân VN với mấy anh thợ mỏ, mấy chàng chữa ô, mấy chú thợ rèn, mấy anh phu xe, hoạn lợn... Chính tầng lớp trí thức, tầng lớp tiểu tư sản học sinh, tiểu tư sản thành thị là cầu nối giữa các nhà hoạt động cộng sản mang tinh thần dân tộc với tầng lớp nông dân và các tầng lớp nhân dân khác làm nên chiến thắng lẫy lừng bốn biển, năm châu. Công lao đó, chính là truyền thống bất khuất của dân tộc, mà cha ông chúng ta để lai. Bác Hồ của chúng ta đã vận dụng vấn đề DÂN TỘC vào cách mạng VN một cách nhuần nhuyễn mới có được hôm nay. Những người Cộng sản VN biết nắm thời cơ phất cao ngọn cờ dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn. Quên Dân Tộc là mất gốc. Quên nhân dân là vô ơn, bạc nghĩa.
Chính sự vỗ ngực tự khoe khoang thành tích, ai đó gọi là "kiêu ngạo cộng sản" đã làm tha hoá những người cộng sản xu thời, có quyền, có chức ngày nay, gây nên sự mất tín giữa nhân dân và Đảng. Gây nên nỗi băn khoăn, trăn trở của những người có tâm huyết với Đảng. Chính những thói tự khoe khoang. tự tôn vinh, sự "kiêu ngạo cộng sản" không ít những cán bộ lãnh đạo vỗ ngực: "Đảng cũng là tao, Chính phủ cũng là tao", đi đến chỗ coi thừơng luạt pháp, coi thường nhân dân, quần chúng.
Bác Hồ đã tuyên dương quân đội: "Quân đội ta trung với Nước, hiếu với Dân... ". Ai đó lại chuyển sang "... trung với Đảng..." thật là vô lối, thật là xúc phạm tới lời tuyên dương của Bác Hồ với quân đội. Không thể đánh lộn sòng Tổ quốc với Đảng. Tổ quốc là Tổ quốc, Đảng là Đảng. Từ đây ta thấy sự "kiêu ngạo cộng sản" nó hiểm nguy tới đâu. Đánh lộn sòng giữa mẹ và con, giữa con và mẹ.
Trong chiến đấu với những tên đế quốc hung hãn, trang bị đến tận răng chúng ta chỉ có hai bàn tay trắng, cần phải có nguyên lý, lý luận chính thống, đường lối chính thống. Những năm tháng đó, người ta có thể chấp nhận Đảng và Tổ quốc, Tổ quốc và Đảng là một, không phân biệt ranh giới với mục tiêu cao nhất CHIẾN THẮNG quân thù. Khi chiến tranh đã đi qua thì việc phân biệt phải rạch ròi, nếu không, rõ ràng nhiều người đã lạm dụng Đảng và Nhân dân, Đảng và Tổ quốc, Đảng và Chính phủ. Sự lộn sòng đó trở thành tội ác, điều này chúng ta sẻ phân tích ở phần sau.
Xin sang phần thứ hai.
Ta biết trong cơ cấu nhà nước dù cho là tư bản, đế quốc hay cộng sản cũng phải có các cơ quan: Hành pháp, Chấp pháp và Tư pháp. Ba cơ quan đó phải được độc lập, hình thành một Nhà nước pháp quyền. Cho dù Nhà nước đó biến hình thế nào chăng nữa cũng không thể phủ định được cơ cấu đó. Tất nhiên loại trừ chế độ phong kiến kiểu cũ.
Nhà nước XHCNVN cũng hình thành cơ cấu Nhà nước đó. Song, một vấn đề bao trùm lên Nhà nước là Đảng Cộng sản! Sự lộn nhèo giữa Nhà Nước và Đảng tạo nên một quyền lực tối thượng là Đảng. Không khác gì chế độ quân chủ kiểu cũ "Quân xử thần tử tử, thần bất tử bất trung...". Nhà vua muốn chém ai là chém, thậm chí "chu di tam tộc, cửu tộc".
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý không rõ ràng, dẫn đến một nhà nước không ra nhà nước. Một nhà nước bị coi như nhà nước của một vài người, muốn bỏ tù ai là do ý thích của một cá nhân nào đó trong Đảng. Một nhà nước mà quyền công dân không được bảo vệ. Một nhà nước mà không được thực thi nhiệm vụ, hoàn toàn phụ thuộc vào Đảng (mà Đảng là của vài ba người). Dân chủ chỉ là cái bánh vẽ hoặc một vật trang trí.
Chính cơ cấu, mối liên hệ giữa Đảng và Nhà nước không rõ ràng gây cho nhân dân biết bao điều thê thảm - Từ cải cách ruộng đất đến cải tạo công thương nghiệp Tư bản, tư doanh. Từ Vụ án Nhân văn, Giai phẩm đến vụ án xét lại chống Đảng! Từ vụ bài xích, khủng bố người Hoa, cải tạo công thương nghiệp ở Sài Gòn đến việc lừa dối cải tạo hàng chục vạn sĩ quan trong chế độ cũ...
Điều kỳ lạ, những vụ án đó hầu như không có án. Vụ nọ qua vụ sau lại vẫn như thế, không hề rút kinh nghiệm để sửa chữa. Điều này dẫn đến cuộc di tản tập thể của hàng triệu con dân nước Việt, hàng chục vạn người làm mồi cho cá. để lại đằng sau hòn ngọc viễn đông sáng giá nhất Đông Nam A hồi đó.
Cả một giai đoạn lịch sử mà Đảng bất tuân Hiến pháp, Pháp luật đã chôn vùi biết bao công thần, biết bao nhân tài đất nươc, biết bao nhà công thương nghiệp, nhà văn, nhà báo... nổi tiếng. Tuỳ tiện đem quân sang nước người, không cần thông qua các cơ qua lập pháp, hành pháp, chấp pháp (Đại hội Đảng 6 vẫn còn bảo lưu ý kiến tới nay) Vai trò Nhà nước có đủ mọi cơ cấu bị vô hiệu hoá, khoanh tay vâng lệnh Đảng.
Nên chăng ta phân biệt thực rạch ròi vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý. Đảng ta là đảng cầm quyền... cụm từ đó không rõ nghĩa, hiểu sao cũng được, rất nguy hiểm. Đảng lãnh đạo những gì về đường lối, về chiến lược. Còn Nhà nước nên chăng khôi phục lại uy lực của chế độ tam đầu chế (tam quyền phân lập). Có như vậy mới khai phá, chống hiệu quả những vụ tham ô trong các quan chức nhà nước hiện nay. Có như vậy mới xoá bỏ được các cơ quan ban ngành khổng lồ trong tổ chức Đảng. Có như vậy mới triệt tiêu được thành tích ảo ở mọi lĩnh vực, GDP ảo, phát triển ảo... có như vậy hiến pháp, luật pháp, quyền con người mới được thực thi, chưc năng Nhà nước được đề cao và có sức mạnh. Đảng nên khiêm tốn nằm trong cơ cấu tổ chức của Mặt trận. Đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nắm thời cơ lãnh đạo đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Sự khiêm tốn của Đảng sẽ được nhân dân tôn vinh, khâm phục
Đất nước chúng ta được bình an, phát triển như ngày nay là mừng lắm rồi. Cầu mong tiên tổ, sự anh linh của Bác Hồ cho đất nước ta ngày càng phát triển. Tiếng súng, tiếng đạn bom không có trên đất nước ta. Chính trị ổn định. Nhân dân yên ổn làm ăn. Nhân dân ta có đủ sức mạnh về trí tuệ, về lực lượng xây dựng một nươc VN dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ...
Thưa ông Nguyễn Trung,
Tôi xin mạn phép luận lại tiêu đề mà ông đặt cho bài viết của ông "Thời cơ vàng – Vận hội mới". "Thời cơ vàng – Vận hội mới" phải đặt vào giai đoan 1975-1985 mới đúng. Sau chiến thắng, hoàn thành nhiệm vụ thống nhất tổ quốc, khá nhiều nước bắt tay với ta, viện trợ cho ta, trong đó có Tổng thống Mý. Chúng ta đã chối bỏ. Tiếp đó, chúng ta đem quân sang Căm–pu-chia và chiến tranh với phương Bắc. Sự thất nhân tâm đó, kéo dài sự đói khổ, khó khăn trong cả nước. Một thập kỷ nhân dân cả nước điêu đứng. Lại thêm một nưa thập kỷ xốc lại đội hình, bước vào thời kỳ gọi là đổi mới (thực chất trở lại những cái cũ mà ta đã phế bỏ). Chính mắt tôi đã được chứng kiến nhà máy sữa, máy chè Mộc Châu do Úc giúp ta, nhà máy hoá chất Bắc Giang do một nước phương Tây giúp ta và vô số những nhà máy khác do các nước phản đối chủ trương, hành động của ta đã rút hợp đồng. Nhà máy sụp đổ, hoen rỉ trong mưa gió. Giá như ta nắm bắt được "Thời cơ vàng – vận hội mới" lúc đó thì tới nay chúng ta đã khác xưa nhiều rồi. Bác Hồ đã từng nói: "Gặp thời một tốt cũng thành công...", các cụ ngày xưa cũng đã nói "... Thời lai đồ, điếu thành công dị / vận khứ anh hùng ẩm hận đa" đó sao!
Quả thật tôi chưa thấy được Vàng ở đâu và Mới chỗ nào? nên chăng ta đặt lại "Nắm thời cơ - Bắt vận hội"?
Nên chăng tôi bạo gan đề nghị: Đảng hãy công khai xám hối trước nhân dân về những vấn đề sai lầm mà mình đã phạm. Đảng cần phục hồi, đền bù về tinh thần vật chất cho, những đảng viên, quần chúng, gia đình bị oan sai trong các cuộc vận động. Sau đó mới lấy ý kiến của muôn dân, xốc lại đội hình dương cao ngọn cờ lãnh đạo tiến lên. Tôi tin chắc uy tin của Đảng đước nâng cao. Ngọn cờ lãnh đạo toàn dân giải phóng dân tộc được muôn dân tôn vinh hơn, sáng giá hơn.
Thưa ông Nguyễn Trung
Giấy ngắn, tình dài còn khá nhiều vấn đề cần trao đổi với ông. Tôi xin đóng lại ý kiến của tôi bằng mấy câu của các cụ ta để lại trong vấn đề trị quốc.
Phi nông, bất an.
Phi thương, bất phú
Phi trí, bất túc.
Phi thức, bất minh.
Xin cảm ơn ông đã đọc những ý kiến lẩm cẩm của một cựu chiến binh già hồi hưu.
Địa chỉ: Khu tập thể Hàng Không, ngõ 295
Thuỵ Khuê, Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội - ĐT: 7531.605 Trần Kỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét