Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Bầu cử Quốc hội: Đã hứa, thì đừng Hẹn. Đã hẹn, phải làm trọn lời hứa

Nông Đức Dân


Không quá một tuần nữa, bầu cử quốc hội khóa 13 sẽ kết thúc một cách mỹ mãn. Điều này có nghĩa ai đã được chỉ định ngồi vào chổ nào, sẽ được yên vị vào chổ đó hay nói một cách khác quyền lực trong bộ máy chính quyền sẽ được chia đều ra căn cứ theo dòng tộc, quen biết và đồng đô la xanh. Mặc dù nhà nước vẫn cố gắng ra sức tuyên truyền đến người dân, bầu cử là cơ hội để cử tri chọn ra người tài năng đại diện cho chính mình.
Nhưng theo những nhận định của các nhà phân tích trên cộng đồng mạng, người dân trong và ngoài nước không lấy gì làm mặn mà, phấn khởi và tin tưởng vào những ứng cử viên cho lắm, bởi lẽ rất đơn giản vì người dân vẫn chưa thấy có một sự đột phá nào trong quy trình bầu cử theo đúng với ý nghĩa của nó. Ứng cử viên cho các cấp từ địa phương cho đến quốc hội vẫn là các cán bộ nặng ký do đảng đề cử và người dân thì vẫn cứ thể hiện nhiệm vụ của mình là “phải” bỏ phiếu cho người đó. Điều này không tránh được sự bức xúc trong cử tri bởi vì những vị tân đại biểu lại là những gương mặt cũ thiếu khả năng lãnh đạo, thiếu cái sự dũng cảm để thừa nhận vào sự yếu kém của mình trong nhiệm kỳ vừa qua mà rút lui và nhường bước cho những gương mặt trẻ trung, có tài năng và đầy nhiệt huyết. Vậy, sẽ có gì thay đổi trong nhiệm kỳ mới này? Chắc chắn sẽ là không!
Tất cả cũng vẫn đâu vào đó. Nền kinh tế của đất nước vẫn mò mẫm những bước đi què quặt như nhiệm kỳ trước: “sai đâu, sửa đó!” Và, điều này là một điều vô cùng nhức nhối mà xã hội không thể chấp nhận được vì đã có quá nhiều cái sai mà không thể nào sửa được bởi tầm hệ lụy hay tác hại của nó vô cùng to lớn đến đời sống hằng ngày của người dân. Chỉ đơn giản, chúng ta hãy nhìn vào những hoạt động kinh doanh được cấp vốn 100% của nhà nước vào những tập đoàn kinh tế chủ lực như: Vinashin, điện lực Việt Nam EVN, tổng công ty xăng dầu VN Petrolimex, Công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII), v.v.. tất cả hầu như là gần phá sản, nếu không nói là hoàn toàn phá sản. Điều này đã nói lên rằng giới lãnh đạo cũ và cũng sẽ là lãnh đạo mới đã không có những khả năng lãnh đạo cần phải có để đưa đất nước vươn mình lên như đúng nguyện vọng của người dân. Chính vì thế, Blogger Song Chi đã nhận định rằng giới lãnh đạo từ quan to cho đến quan nhỏ đều bất tài, thiếu năng lực, làm đâu hỏng đấy(1).
Kế đến, cũng không kém phần quan trọng đó là tính dân chủ trong xã hội Việt Nam. Dân chủ được định nghĩa một cách đơn giản là người dân thật sự làm chủ và tự quyết định vận mệnh của đất nước mình thông qua những lá phiếu công bằng trong bầu cử để chọn ra người tài năng lãnh đạo đất nước. Nhưng, ở Việt Nam, khái niệm dân chủ vẫn còn mơ hồ và chưa thật sự được thể hiện, khuyến khích, tuyên truyền và giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp người dân. Thử hỏi, có bao nhiêu người trong tầng lớp lao động nghèo hiểu được dân chủ là gì? Và, phải làm gì để thể hiện quyền dân chủ của mình? Blogger Nguyễn Hưng Quốc đã có sự nhận định về dân chủ qua phát biểu sau: “Có lẽ ai cũng biết, một trong những biểu hiện chính của dân chủ là bầu cử.”(2) Vậy, nếu người dân phải bỏ phiếu cho 90% đại biểu quốc hội do đảng lựa chọn, thì có đảm bảo tính dân chủ không? Nhà văn và cũng là nhà blogger Phạm Viết Đào đã đặt nghi vấn liệu quốc hội là cơ quan quyền lực của toàn dân nếu chỉ có từ 10 đến 15% đại biểu quốc hội không phải là đảng viên?(3)
Một mặt khác, cũng cần phải nói đến đó là sự băng hoại đạo đức trong xã hội ngày càng tăng nhanh đến nỗi một trong những gương mặt lãnh đạo cũ và cũng là ứng cử viên mới trong nhiệm kỳ quốc hội lần này, ông Trương Tấn Sang đã phải xấu hổ mà than phiền rằng trước chỉ có một con sâu, nay đã có một bầy sâu.(4) Điều này chứng minh rằng, với đại đa số những đại biểu quốc hội của khóa trước đã thất bại trong quốc nạn chống tham nhũng. Vậy, với những gương mặt cũ trong nhiệm kỳ mới này, họ có thể làm được những gì? Nếu như họ đã có khả năng lãnh đạo, đáng lẽ sau nhiệm kỳ cũ, sẽ không có bất cứ một con sâu nào, nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược! Một lần nữa, điều này đã khẳng định khả năng lãnh đạo của những đại biểu khóa trước do đảng chọn đã vô cùng yếu kém, vậy tại sao người dân lại tiếp tục bỏ phiếu cho những người “đầy tớ” đó lãnh đạo đất nước này? Và, lấy gì làm tin với những lời hứa hẹn của lần này khác hơn những lần trước?
Một đất nước không thể vươn mình nếu thiếu đi những sự đột phá xuất phát từ những tài năng và trái tim yêu nước và đất nước Việt Nam đã không thiếu những nhân tài, trí thức khoa học như: tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, GS Nguyễn Huệ Chi, Nhà giáo Phạm Toàn, những gương mặt yêu nước khác như: tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Lê Trần Luật, v.v.. Nhưng với cơ cấu hành chính hiện nay, rất tiếc là những tài năng sẵn có của quốc gia đã không được trọng dụng một cách triệt để và thay vào đó là một cơ chế thiếu khả năng, cục bộ và đặt lợi ích của đảng trên cả lợi ích người dân.
Bầu cử quốc hội, thì người dân vẫn cứ “phải” đi bầu (bầu ai?), nhưng trông chờ vào một sự thay đổi, vào một tương lai tươi sáng để sánh vai với các nước trong khu vực, có lẽ giấc mơ đó khó mà thực hiện được. Xin đã hứa, thì đừng hẹn. Mà đã hẹn, thì phải làm trọn lời hứa.
Nông Đức Dân
(1) Ai, lực lượng nào đang đánh phá “đảng ta”?
http://www.rfavietnam.com/node/610
(2) Chút son trên miệng cá sấu
http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/chut-son-tren-mieng-ca-sau-05-13-2011-121801604.html
(3) Có 10 tới 15% Đại biểu Quốc hội không là đảng viên: Quốc hội có là cơ quan quyền lực của toàn dân?
http://nguyenhuuquy2.blogspot.com/2011/02/co-10-toi-15-ai-bieu-quoc-hoi-khong-la.html
(4) Một con sâu đã nguy hiểm huống gì một bầy sâu
http://www.baomoi.com/Mot-con-sau-da-nguy-hiem-huong-gi-mot-bay-sau/121/6208690.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét