Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Ly Café Trung Nguyên


Thương hiệu. Ảnh: Internet
 

Người bạn mang gói café chồn hiệu Trung Nguyên từ Hà Nội sang DC để chiêu đãi Tổng Cua. Anh cho biết, đây là loại cafe do chồn ăn những quả ngon nhất. Vào dạ dày tiêu hết vỏ, còn lại hạt được ngấm enzyme nên tạo ra vị đặc biệt. Hạt không tiêu được nên theo đường tiêu hóa ra ngoài. Công nghệ café chồn được sản xuất rất khó nên giá luôn ở trên trời.
Mời các bạn trong văn phòng uống thử và thấy khá thơm. Pha ở tầng 8 mà hương ngào ngạt lên cả tầng 9, rồi bay xuống tầng 7. Ai cũng nói, chưa từng thấy loại cafe nào thú vị thế. Mình kể cho cả bọn nghe tại sao ngon thì chúng lè lưỡi không tin và có cô bạn muốn ói.
Nhưng anh bạn nói nhỏ với tôi, VN làm gì còn chồn. Dân săn bắn tiêu diệt hết, cho ra cửa hàng đặc sản, làm sao còn những con vật đáng yêu này để ăn quả café, nhả hạt và hương vị cho đời. Dân amateur nuôi chồn trong lồng, lấy quả cafe cho ăn rồi ngồi đợi lấy hạt từ đầu ra của chú chồn.
Anh còn nói, có cách khác làm ra hương vị café chồn cũng thơm na ná, trên bao bì có ảnh chú chồn, nhưng là chồn rởm, hương liệu chiết xuất từ các chất hóa học. Café công nghiệp không có chút nào liên quan đến chồn hay phân chồn.
Anh kể tiếp chuyện vui. Trong tự nhiên chồn không còn nhiều. Thay vào đó là công nghệ “người thay chồn” trong qui trình input-output (đầu vào, đầu ra) và gọi đây là café “nhân”, (không phải thương hiệu café Nhân nổi tiếng ở Hà Nội).
Công nhân hái cafe phải ăn luôn cả hạt, sau đó về tập trung về nơi qui định, output (thải) cho đến khi giảm cân đúng định mức mới được về nhà.
Theo anh, cafe “nhân” mùi vị cũng tương tự như cafe chồn xịn nên cũng tạm ổn vì hạt cũng trong dạ dày mà.
Thật ra, không thể so với cafe chồn vì công nhân ăn gian, nuốt cả quả già, quả non nên hạt output ra không đồng đều. Trong khi chồn lại trung thực, chỉ ăn quả nào ngon nhất và già nhất.
Một phần công nghệ “người thay chồn” lại cũng đắt hơn. Người ta không phải trả lương hay bảo hiểm cho chồn. Chồn không đòi tăng lương, trốn việc đi chơi gái, không trộm cắp, không đòi lên chức hay đi công tác nước ngoài.
Không hiểu café chồn Trung Nguyên được sản xuất theo qui trình nào: nhặt hạt trong phân chồn trong tự nhiên, nuôi chồn trong lồng sắt, lấy quả cho ăn rồi nhặt hạt trong phân, hay dùng hương liệu chiết xuất bằng công thức hóa học. Đương nhiên, café “nhân” chỉ là chuyện đùa vui.

Ảnh: internet
Mới đây báo chí và blog ầm ỹ về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia vừa phát hành. Lý do như các bạn đã biết, tên Đặng Lê Nguyên Vũ được xếp ngang hàng với những Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Lê Quý Đôn… cùng 4 vĩ nhân thế giới: Chulalongkorn – nhà cải cách vĩ đại của Thái Lan thời cận đại, Albert Einstein – người thay đổi tư duy nhân loại, Thomas Alva Edison – nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ 19 và Bill Gates – biểu tượng của thời đại kinh tế tri thức thế kỷ 20-21.
Nhiều người biết ông Vũ từ một người rất nghèo mà thành đạt, gây dựng được một thương hiệu café Trung Nguyên nổi tiếng.
Báo chí ca ngợi, tivi phỏng vấn, nhân vật Á Châu, toàn lời có cánh. Người ta có cảm tưởng nhà báo được thưởng thức ly café của chính ông chủ trả tiền nên nhiều bài viết phảng phất hương khói trên mây.
Phải thừa nhận, một người như ông xứng đáng được ca tụng vì đã đưa thương hiệu café Việt Nam trên đường hội nhập. Dẫu vậy, quãng đường đó còn khá dài để tới được những thị trường khó tính bên Mỹ, châu Âu hay châu Úc.
Bác còm sỹ có nick NiceCowBoy bình rằng, “hữu xạ tự nhiên hương” có thể đúng trong quá khứ, nhưng thời nay lại là ” nhiễu xạ.. mới nên hương “. Đôi khi chỉ cần quảng cáo nhiễu loạn tùm lum mà không nhất thiết chất lượng luôn đảm bảo thì cũng có thể trở thành “thương hiệu”.
Người bạn của Tổng Cua vừa xem xong cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” và không khỏi băn khoăn về ý định thực sự của nhà xuất bản là gì.
So sánh ông chủ Trung Nguyên với Bill Gates, liệu các tác giả đã nhầm vì hai tầm khác nhau?
Để những trang về cuộc đời của ông Đặng Lê Nguyên Vũ bên cạnh những tên tuổi được lịch sử thế giới thừa nhận, có phải là cách quảng bá cho café Trung Nguyên?
Anh nói, với nhiều người mỗi khi nhấp ly café buổi sáng thì hương vị Trung Nguyên vẫn như xưa.
Nhưng một số bạn xem xong cuốn “Tài năng và đắc dụng”, sẽ tự hỏi, đây là món “café” chồn tự nhiên, chồn nhốt trong lồng, hương liệu chồn, hay món café “nhân” bốc mùi do ai đó cố “rặn” ra. Chợt nhớ cô bạn suýt ói khi mình kể về cafe chồn hôm nào.

Hiệu Minh. 19-05-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét