Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Sinh nhật 90 đảng cộng sản Trung Quốc và đại nạn

Lạc Văn

Nhân sinh nhật lần thứ 90 của đảng CS Trung Quốc, tôi có lời chúc, chân thành chúc đảng cộng sản Trung Quốc có thể làm trong sạch bộ máy chính trị, tạo ra môi trường minh bạch để có thể đối mặt với tệ nạn tham nhũng được đánh giá như dịch bệnh nan y đối với đất nước. Như lời ông Hồ Cẩm Đào phát biểu nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập đảng CS Trung Quốc:
"Toàn thể đảng phải nhìn nhận rõ rằng với những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trên phạm vi thế giới, quốc gia và trong đảng, chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, cần đề cao vai trò lãnh đạo của đảng và các nguyên tắc nhằm củng cố khả năng chống tệ tham nhũng và các nguy cơ khác".

Là người lãnh đạo đảng CS Trung Quốc gần chục năm nay, ông Hồ chỉ ra rằng tham nhũng tràn lan là một mối đe dọa rõ ràng đối với sự lãnh đạo của đảng.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tình trạng tham nhũng trong các quan chức là đảng viên là nguyên nhân chính gây bức xúc trong dân chúng, ông Hồ nói và thêm rằng cuộc chiến chống tham nhũng là điều quyết định việc "có hay mất sự ủng hộ của công chúng và là vấn đề sống còn đối với đảng". "Tham nhũng sẽ khiến đảng mất sự ủng hộ và lòng tin của nhân dân", chủ tịch Trung Quốc cảnh báo. (http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/07/trung-quoc-canh-bao-nhung-nguy-co-doi-voi-dang/)
Nghe những lời tự bạch về "trọng bệnh" qua lời nói của Tổng bí thư Trung Quốc thì tôi cũng đoán được là tham nhũng có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp độ tại Trung Quốc.
Chắc sẽ có người cho rằng nguyên nhân chính của tham nhũng nằm ở sự thờ ơ, hoặc thói quen của người dân cùng với lỗi của những người nhận hối lộ. Nhưng kể ra thì những nguyên nhân vậy chỉ là sự biểu hiện tất yếu của một xã hội, khi mà môi trường tạo ra việc người nhận một cách dễ dàng, người đưa một cách đương nhiên.
Còn nếu cho rằng bản sắc của dân tộc tạo nên thói quen hối lộ của người dân thì điều đó càng sai. Như Hong Kong, Đài Loan, hay Singapore, nơi mà đa số người Hoa sinh sống, nhưng tại đó chính quyền sở tại lại có thể chống tham nhũng một cách hiệu quả. Vậy ra thói quen tham ô - hối lộ không phải thói quen bất di bất dịch mà là tư duy có điều kiện của con người thôi. Sự khác biệt giữa Trung Quốc đại lục và các vùng lãnh thổ nêu trên chính là cơ chế và dân trí.
Những người phê phán người dân khi hối lộ như một thói quen một cách giáo điều nên nhìn nhận vấn đề tâm lí chung của con người là ai cũng muốn giải quyết được việc. Trong khi đó những quy định, cơ chế giải quyết công việc không rõ ràng, rành mạch, quyền quyết định cái việc người dân cần nằm trong "thiện chí" người có quyền thì vấn đề tiêu cực không thể tránh khỏi. Có mấy ai không tham, không vì mình trong cuộc sống thực dụng ngày nay, mà có không vì mình thì vợ con mình nó cũng nhắc, có mấy ai nhìn thấy "mồi" mà không chén.
Ngoài ra tương lai chính trị (nói bằng ngôn từ đơn giản thì đó là lên chức) của người công chức đa phần nằm trong tay cấp trên chứ không phải cấp dưới hay người dân, vậy thì trách nhiệm của người công chức đó là làm sao làm vừa lòng cấp trên hơn là cấp dưới hay dân. Cơ cấu trong không ít trường hợp đã làm cho việc bình bầu từ cấp dưới hay dân trở nên hình thức.
Tôi thì không rành nhưng cũng chắc rằng phương tiện truyền thông của Trung Quốc giống ta, có kêu gọi sự tự giác của người dân trong chống tham nhũng. Nhưng nói cho cùng, nếu chống tham nhũng mà chỉ đòi hỏi sự tự giác từ người dân thì cũng giống như chống tham nhũng tự phát. Mà chắc có đặt mỗi mét 1 pa-nô tuyên truyền chống tham nhũng, pa-nô nói không với tham nhũng thì có lẽ tham nhũng cũng chẳng thuyên giảm chút nào. Suy chuyện ta ra chuyện người, người ta vẫn đưa phong bì khi xin việc (cơ quan Nhà nước), vẫn phong bì cho sếp vào dịp lễ Tết, vẫn phong bì khi phải đến bệnh viện chữa bệnh, vẫn phải đưa phong bì khi xin dấu má, vẫn cho con cái đi học thêm dù biết học thêm cũng chẳng hay ho gì, vẫn đưa phong bì cho anh CAGT khi bị phạt, mà có khi đưa ngay dưới cái pa-nô chống tham nhũng cho kín, cho mọi người đỡ thấy. Những hiện tượng trên chỉ là vài hình tượng ví dụ, có thể tại Trung Quốc tham nhũng mang màu sắc, hình thái khác, len lỏi trong cuộc sống xã hội.
Con người ta có thể tự giác 1 lần, 2 lần, 3 lần, nhưng không ai mà tự giác mãi khi luật pháp, cơ chế không rõ ràng, khi người ta phải đi "xin" sự ban phát quyền lợi từ các công chức. Vận dụng tình hình, không ít công chức cố tình gây khó dễ, cố tình làm không đúng trách nhiệm họ cần làm. Họ nêu lý này, do kia và không giải quyết việc cho người dân, ấy thế khi có phong bì thì công việc lại trôi chảy.
Ngó qua các nước trong sạch, đa phần người công chức họ niềm nở làm đúng chức năng công việc của mình, giúp đỡ người dân, công tâm trong công việc. Họ như vậy một phần cũng bởi thói quen, phần khác cũng vì nếu bị kiến nghị bởi người dân, kiến nghị vì tắc trách trong công việc, làm không đúng trức năng, hay vòi tiền sẽ bị điều tra. Và nếu bị kiến nghị như vậy thì có thể bị ghi vào hồ sơ, ảnh hưởng rất nhiều trong việc được đề bạt, thậm chí có thể bị đuổi việc. Người cấp trên không bao che, bởi người cấp trên trực tiếp chịu trách nhiệm cho công việc của cấp dưới.
Khi mà người ta nhận thấy khả năng cái bị mất nhiều hơn là nhận tiền tham nhũng, hay tắc trách trong công việc thì họ sẽ "tự giác" làm tròn trách nhiệm. Quyền lợi của người công chức là làm đúng trách nhiệm và phục vụ tốt người dân. Sự tự giác cũng cần điều kiện.
Cái gì cũng cần thời gian, kinh nghiệm chống tham nhũng có thể học, dân trí có thể nâng từ từ, minh bạch hóa cơ chế có thể làm từng bước, hạ tầng kỹ thuật như hệ thống ngân hàng, hệ thống thuế cũng có thể áp dụng dần dần, nhưng có lẽ yếu tố cần thiết là quyết tâm triệt để chống tham nhũng của các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc. Còn nạn tham nhũng hoành hành như bây giờ, các vị lãnh đạo Trung Quốc cũng cần xem xét lại và nên điều chỉnh, đưa ra những thay đổi mang tính vĩ mô trong chiến lược chống tham nhũng. Những yếu tố cần được xem xét như:
- Nhà nước còn thiếu pháp quyền, cơ quan lập pháp và hành pháp hoạt động chưa hiệu quả.
- Môi trường điều hành, xử lý công việc thiếu minh bạch, nghĩa vụ chưa rõ ràng
- Dân trí còn thấp.
- Nhiều bộ phận của bộ máy chính quyền liên quan đến tham nhũng thì lấy ai chống tham nhũng?
Tôi không phải công dân Trung Quốc để quan tâm vấn đề thể chế chính trị của Trung Quốc. Mà tôi có muốn xen vào việc của Trung Quốc cũng không có khả năng đó. Vả lại trong danh sách các nước có tình trạng tham nhũng hoành hành trên Thế giới có nhiều nước có thể chế khác nhau, đa đảng, đơn đảng .v.v... Nhưng có một điểm chung đó là tại những nước trong sạch nhất trên Thế giới, cơ chế quyền hạn và chịu trách nhiệm rành mạch và đặc biệt vai trò công dân là nền tảng xã hội không chỉ trong lời nói.
Kết thúc bài viết, một lần nữa tôi chúc đảng cộng sản Trung Quốc dẫn dắt nước Trung Quốc tiến lên xã hội công dân thực thụ, khi đó chắc chắn việc chống tham nhũng sẽ hiệu quả và đảng cộng sản Trung Quốc sẽ giành được lòng tin của dân, đảm bảo giữ vững sự lãnh đạo đất nước như lời khẳng định của ông Hồ Cẩm Đào.
Lạc Văn 07/2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét