Nguyễn Quang A
Vụ PMU 18 đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực. Nay Toà án Nhân dân Hà Nội đang xử Bùi Tiến Dũng, nhân vật số 2 của vụ PMU-18 và 7 đồng phạm về vụ việc liên quan tới PMU-18, vụ chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng. Bộ Giao Thông Vận Tài (GTVT) bị triệu ra toà với tư cách nguyên đơn dân sự, người bị hại.
Đại diện của Bộ GTVT đã không có mặt. Hội đồng xét xử đã công bố “công văn của Bộ GTVT từ chối tham gia với danh nghĩa nguyên đơn dân sự”.
Luật sư bào chữa cho Bùi Tiến Dũng cho rằng nhiều người và cơ quan của Bộ GTVT đã “rà soát, khấu trừ lại khoản chi trước thời điểm Cơ quan Cảnh Sát Điều Tra khởi tố vụ án. Theo đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng cầu Bãi Cháy hoàn toàn không bị thiệt hại. Bộ GTVT cũng không yêu cầu bồi thường thiệt hại và khẳng định mình không là nguyên đơn dân sự trong vụ án”.
Nếu đúng như luật sư nói, Bộ GTVT hãy đưa ra toàn bộ các văn bản nêu trên và công khai tất cả các bằng chứng của mình để chứng minh Bộ GTVT không bị thiệt hại về vụ 3,4 tỷ đồng.
Tiền mà Bộ GTVT chi cho PMU-18 là tiền của nhân dân (dù là tiền vay ODA của nước ngoài, người dân vẫn phải đóng thuế để trả nợ). Như thế, nhân dân có thể yêu cầu Bộ GTVT (và tất cả các cơ quan nhà nước khác) công khai việc chi tiền của dân. Không thất thoát, không bị hại thì rất tốt. Nhưng để nhân dân tin, Bộ GTVT cần trưng ra tất cả các bằng chứng, chứng cứ về sự không thất thoát, không tổn hại đó và trả lời bất cứ đòi hỏi chất vấn tiếp theo của bất cứ công dân nào.
Làm như thế, uy tín của cơ quan nhà nước sẽ tăng lên. Những người chưa tin sẽ thay đổi chính kiến của mình nếu Bộ GTVT trưng ra được các chứng cớ thuyết phục.
Đấy là cách làm văn minh. Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước khác nên gương mẫu để tinh thần thượng tôn pháp luật được tôn trọng.
Nguyễn Quang A
_________________________
Vụ PMU18: "500 triệu làm quà chia tay"
(Phunutoday) - Lợi dụng sơ hở trong việc quản lý và chi trả lương cho nhân viên tại các gói thầu Phạm Tiến Dũng đã xin ý kiến của Bùi Tiến Dũng cùng lập khống danh sách nhân viên tư vấn để chiếm đoạt hơn 3,4 tỉ đồng "tiền lương" trong ngân sách của nhà nước. Trong số tiền chiếm đoạt tài sản, bị cáo Bùi Tiến Dũng đã dùng 500 triệu đồng để làm “quà chia tay” khi về hưu cho ông Đỗ Kim Quý, phó tổng giám đốc PMU 18.Sáng ngày 28/6 phiên tòa xét xử các cựu quan chức thuộc PMU 18 trong vụ án tham ô trong quản lý dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp tục với phần xét hỏi. Được biết đây là vụ án thứ 3 ông Bùi Tiến Dũng bị xem xét trách nhiệm hình sự trong thời gian làm tổng giám đốc PMU 18.
Ngày 27/6 TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án tham ô trong quản lý dự án cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) liên quan đến nguyên tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án 18 (PMU 18) Bùi Tiến Dũng và 8 đồng phạm.
Diễn biến đáng chú ý tại tòa, ngay trong phần thủ tục, do thiếu vắng một số người liên quan đến vụ án, một số luật sư của các bị cáo đã xin hoãn phiên tòa.
Theo cáo trạng, các cá nhân lãnh đạo Phòng Triển khai dự án 6 (PID6)– Ban Quản lý dự án 2, trước là Ban Quản lý dự án 18 – đơn vị đại diện chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý thi công dự án cầu Bãi Cháy.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, các bị cáo gồm Nguyễn Vũ Nam - nguyên Trưởng phòng triển khai dự án 6 (PID 6), Nguyễn Công Dũng - nguyên chuyên viên PID 6, Nghiêm Phú Sơn - nguyên Phó phòng PID 6, Lê Minh Giang - nguyên Phó phòng PID 5, Nguyễn Hữu Minh - nguyên Giám đốc điều hành gói thầu BC1 tại dự án cầu Bãi Cháy, Nguyễn Hữu Long - nguyên Giám đốc điều hành gói thầu BC3, Trần Đức Hùng - nguyên Chánh Văn phòng tư vấn, dự án cầu Bãi Cháy đã câu kết lập khống danh sách, chứng chỉ thanh toán lương cho nhân viên tư vấn bổ sung, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng...
Đặc biệt, ông Phạm Tiến Dũng (trưởng PID6 của PMU 18) phát hiện thấy có sơ hở trong việc quản lý và chi trả lương cho nhân viên tại các gói thầu nên đã chiếm đoạt tiền Nhà nước bằng việc lập khống danh sách nhân viên tư vấn. Sau đó, Phạm Tiến Dũng gặp Bùi Tiến Dũng để xin ý kiến chỉ đạo và được đồng ý. Từ tháng 3-2003 đến tháng 2-2007, bằng cách làm này, họ đã rút được hơn 3,4 tỉ đồng “tiền lương”.
Trong số tiền chiếm đoạt tài sản, bị cáo Bùi Tiến Dũng đã dùng 500 triệu đồng để làm “quà chia tay” khi về hưu cho ông Đỗ Kim Quý, phó tổng giám đốc PMU 18.
Đây là vụ án thứ 3 ông Bùi Tiến Dũng bị xem xét trách nhiệm hình sự trong thời gian làm tổng giám đốc PMU 18. Trước đó, vào ngày 14/11/2007, TAND Tối cao đã xử phúc thẩm và y án 13 năm tù đối với ông Dũng về tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc và đưa hối lộ. Đến 3/8/2010, TAND TP. Hà Nội đã kết án Dũng “tổng” 3 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế khi cho mượn 7 ôtô và sử dụng không đúng tiêu chuẩn 2 xế hộp hạng sang khác.
Đối với bị cáo Đỗ Kim Quý (nguyên phó tổng giám đốc PMU 18) bị truy tố về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” (tội danh trước đó ông Quý bị truy tố là “không tố giác tội phạm”, về sau được đổi tội danh).
Phiên xử dự kiến diễn ra trong 10 ngày, kết thúc vào ngày 6/7.
Minh Nhật (tổng hợp)
Nguồn: Phụ Nữ Today
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét