Lâm Thế Nguyên
Theo suốt chiều dài mấy ngàn năm giữ nước, lịch sử cho thấy rằng mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì toàn dân lại dẹp bỏ mọi dị biệt để cùng đứng lên cứu nước. Trước bối cảnh chủ quyền quốc gia đang bị đe doạ nặng nề bởi Bắc phương, dấu hiệu đoàn kết chống xâm lăng đã được thể hiện khá rõ ràng thêm một lần nữa. Cuộc biểu tình ngày 5/6/2011 sẽ là một trắc nghiệm cụ thể: Người Việt Nam có thể nào bước qua được những dị biệt để cùng nhau đứng lên khẳng định ý chí chống xâm lăng, và đối đầu với nỗi sợ bị chế độ đàn áp?
Ngày 9/12/2007, hàng ngàn thanh niên, sinh viên và đồng bào ở trong nước đã mạnh dạn xuống đường biểu tình chống chủ trương bành trướng của Trung Quốc, cực lực phản đối hành động ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trên các phần lãnh hải của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên người dân Việt Nam bước qua được nỗi sợ để tập hợp với số đông, bất chấp sự ngăn cản, đe dọa của nhà cầm quyền. Điều đáng nói là cùng thời điểm này, sự hưởng ứng và hậu thuẫn của cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng đã xảy ra một cách nhiệt tình trong cùng một định hướng. Hai màu cờ đối nghịch nhau được trương lên cho một mục tiêu chung là bảo vệ chủ quyền đất nước.
Ngày 5/6/2011 sắp tới, cuộc xuống đường phản đối hành động tấn công, phá hoại của tàu Hải giám Trung Quốc (đối với tàu thăm dò địa chấn Bình Minh II trên vùng biển Việt Nam vào cuối tháng 5/2011) sẽ một lần nữa khẳng định ý chí chống xâm lăng của người Việt. Cho đến nay, dù cách biệt về địa lý và có thể là cả chính kiến, song thái độ và hành động của người Việt ở trong và ngoài nước đều thể hiện tương đồng với nhau.
Hai sự dung hợp đặc biệt này cho thấy khi có cùng mẫu số chung, nhân dân Việt Nam sẽ bước qua được những dị biệt bình thường.
Trong hoàn cảnh của một chế độ cần có sự bảo hộ chính trị để tồn tại, nhà cầm quyền CSVN phản ứng một cách lúng túng, vụng về và tồi tệ. Nhưng đối với người dân Việt Nam và các đoàn thể đối lập, quyền lợi của tổ quốc luôn được đặt lên vị trí cao nhất và trước nhất. Sự khác biệt lớn lao và quan trọng đó đang thử thách sự tồn tại của chế độ độc tài toàn trị hiện nay.
Dưới sức ép của những bưng bít và đàn áp, người dân ở trong nước có thể chưa nhìn thấy được sự cần thiết của yếu tính Dân chủ trong tiến trình phát triển đất nước, song dù là người trí thức hay ít học, dù là người ở miền Bắc hay miền Nam, dù là thuộc tôn giáo nào hay chính kiến ra sao, người Việt Nam vẫn có cùng một truyền thống chống xâm lăng giống nhau. Đây là điểm son, là vốn liếng tinh thần lớn nhất đã giúp cho dân tộc ta trường tồn sau bao nhiêu cuộc xâm lược quy mô trong suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử.
Hành động xâm lấn của Trung Cộng đã vô hình chung tạo nên môi trường cảm thông và gắn bó giữa những người Việt từ nhiều xuất xứ khác nhau. Hiểm hoạ xâm lăng đang xúc tác lòng yêu nước của người Việt Nam, biến nó thành chất keo để nối kết những tấm lòng yêu nước với nhau.
Trước bối cảnh đặc biệt này, đảng CSVN đang phải đối đầu với một thử thách vô cùng to lớn là thuận với lòng Dân để cùng với toàn dân hợp đoàn cứu nước, hay sẽ bị nhân dân đào thải để rộng đường cứu nước.
Nỗi đau từ cuộc xâm lăng năm 1979 đang sống dậy trong lòng triệu triệu người Việt. Tuy nhiên, niềm tự hào của một dân tộc không bị khuất phục từ cuộc chiến hơn 30 năm trước đang là sinh lực để các thế hệ hôm nay dũng mãnh đứng lên khẳng định chủ quyền đất nước. Người Việt ta hiền hoà, không hiếu chiến song không bao giờ chấp nhận làm kiếp nô lệ cho bất cứ siêu cường nào.
Máu của 58 quân nhân Việt Nam Cộng Hoà và 64 quân nhân Việt Nam Cộng Sản đã đổ xuống, chan hoà ở biển Đông với cùng một mục đích là hy sinh để bảo vệ lãnh hải non sông. Hai cuộc chiến đấu dũng cảm bất cân xứng lực lượng, với hơn trăm mạng người bị thảm sát, đã không làm nhụt chí chống xâm lăng của người Việt.Chế độ chính trị ở nước ta có thể thay đổi nhưng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn còn đó.
Cứu nước như cứu lửa, việc chiến đấu chống xâm lăng phải được đặt vào hàng đầu trước khi quá muộn. Trước nhu cầu khẩn thiết đó, chúng ta đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN phải có một thái độ và hành động nhanh chóng, hợp lý. Đó là tạo điều kiện để nhân dân Việt Nam bày tỏ thái độ một cách đầy đủ trước nguy cơ chủ quyền đất nước bị đe doạ, và bằng tất cả khả năng có được, phải huy động lực lượng Hải quân và Không quân ra khơi tuần tra, bảo vệ lãnh hải nước ta.
Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Nam Dương đã từng dùng quân lực để ngăn chận những hành động bức hiếp của tàu chiến Trung Cộng, tại sao Việt Nam lại không?
Thế lực nước ta có thể không bằng Trung Quốc song nếu chúng ta khẳng định quyết tâm bảo vệ đất nước, thế giới sẽ không làm ngơ một khi xung đột lớn xảy ra. Chủ quyền Việt Nam chỉ có thể được tôn trọng một khi chúng ta chứng tỏ được là người Việt Nam sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ nó. Kinh nghiệm lịch sử, và gần nhất là kinh nghiệm năm 1979 đã chứng minh.
Vấn đề còn lại là ý chí của chính chúng ta. Hiểm hoạ bị xâm lăng đang cho chúng ta cơ hội đoàn kết để cứu nước. Xin mọi người hãy cùng nắm lấy, và cùng nắm tay nhau quyết chiến!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét