Thế kỷ 20 vừa qua là thế kỷ chứng kiến nhiều lần chuyển mình mạnh mẽ của thế giới: hai cuộc đại chiến thế giới, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, sự nổi dậy và lụi tàn của chủ nghĩa cộng sản, rồi chiến tranh lạnh…Tất cả những diễn tiến này tạo ra những tác động tổng hợp để kiến tạo một thế giới với diện mạo như hôm nay. Thế nhưng sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những ảnh hưởng vô cùng quan trọng của phong trào dân chủ cùng với những chuyển biến của nó từ bình diện tư tưởng đến thể chế.
Phong trào dân chủ, như chính tên gọi của nó: “những làn sóng dân chủ”, là những diễn tiến dân chủ hóa xảy ra trên khắp thế giới theo cách lan truyền từ nơi này đến nơi khác. Lúc bắt đầu mạnh mẽ và khi gặp những chướng ngại thì bước vào giai đoạn thoái trào. Bùng lên và lụi tắt là quy luật tất yếu của tự nhiên. Dân chủ-tự do, như một hệ thống tư tưởng chính trị do con người sáng tạo nên cũng không ngoại lệ. Nhưng chính sự liên tiếp nổi dậy và kết thúc như thế cho chúng ta thấy một quy luật tự nhiên khác quan trọng hơn nhiều: Dân chủ, tự do là thuộc tính của nhân loại.
Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến sự quật khởi rồi thoái trào của phong trào dân chủ thế giới. Nhiều người nghi ngại rằng liệu dân chủ tự do có phải là tối ưu và có thể thực hiện được với mọi dân tộc, mọi nền văn hóa. Trong lịch sử nhân loại, đã không biết bao lần xuất hiện những cá nhân hoặc tập đoàn người dùng ý chí chủ quan của mình để kìm hãm, ngăn chặn hay thậm chí là phá hoại tự do, nhưng những làn sóng dân chủ vẫn liên tiếp nhau dâng lên không dứt. Trước đây không ít người trong giới học giả đặt câu hỏi về sự dung hợp giữa dân chủ tự do và văn minh Hồi giáo; hay như chính trị gia nổi tiếng Lý Quang Diệu đã từng viện dẫn các “giá trị Á Đông” (theo ý ông là văn hóa Á Đông không thể hoàn toàn dung hợp tư tưởng dân chủ của Tây phương) để bao biện cho sự duy trì tình trạng độc tài trên đất nước Singapore. Nhưng vượt lên tất cả những ngụy biện, dân chủ luôn hiện diện trong tiềm thức con người, chỉ chờ đủ thời cơ để bùng phát, con sóng dân chủ này lụi tàn để con sóng khác dâng lên. Bởi vì con người phải được sống như chính nó, phải được tự do. Chúng ta là những con người, phải được sống như những con người đích thực. Khẳng định này dường như quá hiển nhiên đến nỗi trở nên ngớ ngẩn, nhưng có một thực tế là có nhiều người không hiểu hoặc giả vờ không hiểu quy luật tự nhiên này. Nếu hiểu rõ điều này thì nhiều người đã không dùng mấy mươi năm cuộc đời ngắn ngủi của mình để chống lại sức mạnh của quy luật tự nhiên, chống lại bản chất con người.
Con người, như một sinh thể thượng đẳng trên địa cầu, hoàn hảo, thống nhất về kết cấu tổng thể và phức tạp về mặt ý thức. Không giống với bất cứ sự tồn tại vật chất nào khác, con người là sinh vật có tư duy và ý chí. Một triết gia đã từng nói :”Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết tư duy”. Đó là sự khác biệt, là ưu điểm đáng tôn vinh khi chúng ta bàn về chính chúng ta. Nhưng tư duy và ý chí – đó lại chính là vấn đề. Vì có tư duy và ý chí, chúng ta muốn mọi thành tựu, hay đơn giản là kết quả hoạt động của mình đi theo một khuynh hướng có thể kiểm soát và phải phù hợp với ý chí của mình mà không cân nhắc đến những yếu tố khách quan mang tính quy luật. Người ta gọi cách thức hành động này là duy ý chí. Như chúng ta thấy, mọi sự vật luôn tồn tại như nó vốn có, mọi hoạt động của chúng đều phù hợp với cái cách mà chúng được tạo ra. Một cái cây phải quang hợp để tổng hợp chất hữu cơ nuôi sống chính nó- đó là điều tự nhiên. Con người thì khác, vì có tư duy và ý chí, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục hành động trái với tự nhiên, trái với những gì chúng ta vốn có, ví dụ đơn giản như chúng ta vẫn thức khuya cho dù biết việc này trái tự nhiên và tổn hại sức khỏe.
Thế nhưng, xét trên một bình diện rộng hơn và với mức độ sâu sắc hơn, với tất cả những bản năng cố hữu của mình, con người sinh ra vẫn luôn có khuynh hướng bảo toàn sinh mạng và các giá trị tư tưởng , tinh thần của mình trước mọi ngoại lực đe dọa. Theo một cách tự nhiên nhất, con người phải sống và có nhu cầu được sống mà không phải chịu bất cứ sự xâm hại thể xác hay tinh thần nào. Đó là quy luật, vì nó xuất phát từ bản năng của con người, đó cũng chính là nền tảng của lý luận về tự do. Xin được tái khẳng định, điều đã được khẳng định đó là : không có gì có thể tồn tại ngược với tự nhiên và đối kháng với những gì hình thành nên bản chất của chúng. Điều này đã được chứng minh nhiều lần trong khoa học tự nhiên. Dưới giác độ triết học và luật học, ngay cả luật pháp do con người tạo ra cũng không được trái với luật tự nhiên (tập hợp những quy phạm điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người, ràng buộc cách cư xử và luân lý dựa trên chính bản chất tự nhiên của con người) bởi không có cái gì hợp lý hơn tự nhiên.
Kể từ khi một hình thức nhà nước dân chủ đầu tiên xuất hiện ở Hi Lạp, con đường đưa thế giới tiến vào thể chế dân chủ thật không dễ dàng. Phong trào dân chủ vừa mới nổi lên ở Ý, Đức đã bị thế chiến lần thứ nhất làm cho gián đoạn rồi sau đó thoái trào vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít với sự đứng lên nắm quyền của Mussolini và Hitler. Rồi thế chiến thứ hai kết thúc với khả năng đưa các quốc gia thuộc địa mới giành được độc lập tiến vào con đường dân chủ thì những nền cộng hòa mới được thành lập này không bao lâu sau cũng bị chủ nghĩa cộng sản nhuộm đỏ, như hoàn cảnh Việt Nam ta, hay nước Trung Hoa dân quốc với nền cộng hòa non yếu cũng bị cộng sản thôn tính năm 1949. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, làn sóng dân chủ lan rộng khắp Đông Âu và nước Nga mang lại cho nhân loại niềm hi vọng to lớn về một thế giới mới tốt đẹp hơn; nhưng rồi sau một giai đoạn dân chủ ngắn ngủi, nước Nga gần như từ một quốc gia cộng sản bước hẳn vào một chế độ độc tài kiểu mafia. Cho đến những năm đầu thế kỷ 21 này, hồ sơ dân chủ nhân quyền vấn còn bế tắc chưa có lối thoát tại các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Việt Nam… vì vốn dĩ các chế độ độc tài là ngoan cố, tham tàn và có hệ thống, trong khi thế giới Tự do lại không thể đạt tới một ý chí chung, một sự liên kết cụ thể nào để đối phó với tình trạng trên, ngoài những thống kê, những buổi điều trần về tình hình đàn áp nhân quyền, những lời chỉ trích mang tính ngoại giao nhiều hơn là một chính sách thực tiễn. Ấy là chưa kể đến việc vấn đề nhân quyền đôi khi lại được mang ra để đổi chác, để trả giá giữa một bên là các chế độ độc tài, một bên nhân danh lực lượng tự do tiến bộ.
Mùa xuân 2011, Bắc Phi diễn ra cuộc cách mạng Hoa Lài với sự đột biến của tình hình Lybia và tình hình đầy bạo động tại Syria và Yemen. Nhân loại như bừng tỉnh trước ánh sáng và vận hội mới!
Mới đây, hội nghị Thượng đỉnh G8 đã nhóm họp tại Pháp với khẩu hiệu: “Thế giới mới, ý tưởng mới” nhằm khẳng định sự quyết tâm của tám quốc gia lớn mạnh nhất thế giới trong nỗ lực xây dựng một thế giới không độc tài- nơi mà các giá trị dân chủ tự do phải được thực hiện triệt để trên quy mô toàn cầu và xác quyết nghĩa vụ can thiệp chủ động và trợ giúp tích cực cho người dân ở các quốc gia độc tài đang đấu tranh để tháo gỡ xiềng xích. Có lẽ sau hơn một thế kỷ chứng kiến sự nổi dậy rồi thoái trào đáng lo ngại của làn sóng dân chủ, nhân loại hôm nay đã có đủ những kinh nghiệm xương máu để không thể tiếp tục làm ngơ trước khả năng những nỗ lực dân chủ hóa bị đè bẹp.
Thế giới chúng ta đang sống là một không gian đa nguyên, nơi mà an sinh và phúc lợi của một cá nhân hay của một quốc gia riêng biệt có mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời với phần còn lại của cộng đồng hay của thế giới. Một thế giới với những cộng đồng người ngày càng phụ thuộc và xích lại gần nhau hơn về kinh tế, giáo dục, văn hóa với những giá trị và lợi ích chung thì không có lý do gì để không cùng nỗ lực và có những hành động thực tế để thúc đẩy dân chủ. Dân chủ là một giá trị vừa mang ý nghĩa lý luận vừa có tính thể chế nên nó sẽ là nền tảng cho sự xây dựng các giá trị khác; vì thế con người không thể hướng đến một xã hội văn minh, nhân bản mà không quan tâm tới vấn đề dân chủ tự do. Chúng ta đang tiến vào một thế giới không nhân nhượng với các chế độ độc tài, một thế giới không chỉ chống độc tài bằng miệng mà khi cần thiết, biện pháp quân sự cứng rắn sẽ được áp dụng. Không có cách nào khác, muốn thăng tiến những giá trị tự do, dân chủ và bảo đảm an ninh toàn cầu thì phải tiêu diệt độc tài.
Thật vậy, ý chí của con người là hữu hạn chúng ta phải tuân theo những quy luật tự nhiên vì đối kháng với tự nhiên là tự hủy diệt. Cũng như thế, xã hội loài người phải được phát triển trong tự do, dân chủ vì dân chủ tự do là nhân bản, mà nhân bản chính là con người tự nhiên đích thực. Tất cả chúng ta phải được sống với đúng những thuộc tính căn bản nhất của mình: sinh tồn tự do- quần cư tương hỗ. Jean Jacques Rousseau đã nói: “Con người sinh ra được tự do nhưng ở bất cứ đâu anh ta cũng bị xiềng xích”. Nhưng đã đến lúc mọi xiềng xích nô dịch con người phải bị tháo bỏ không chỉ bởi những cố gắng của chính những con người yếu đuối đang sống dưới sự nô dịch mà còn bằng cả trách nhiêm can thiệp và trợ giúp của những con người đã được hoàn toàn tự do, đã có đầy đủ sức mạnh thực sự mà sự tự do mang lại. Đó mới chính là ý nghĩa đích thực và xứng đáng nhất của sự quần cư- sự chung sống trong an toàn, tự do và hài hòa của nhân loại.
Tam Kỳ ngày 5 tháng 6 năm 2011
© Huỳnh Thục Vy
Phong trào dân chủ, như chính tên gọi của nó: “những làn sóng dân chủ”, là những diễn tiến dân chủ hóa xảy ra trên khắp thế giới theo cách lan truyền từ nơi này đến nơi khác. Lúc bắt đầu mạnh mẽ và khi gặp những chướng ngại thì bước vào giai đoạn thoái trào. Bùng lên và lụi tắt là quy luật tất yếu của tự nhiên. Dân chủ-tự do, như một hệ thống tư tưởng chính trị do con người sáng tạo nên cũng không ngoại lệ. Nhưng chính sự liên tiếp nổi dậy và kết thúc như thế cho chúng ta thấy một quy luật tự nhiên khác quan trọng hơn nhiều: Dân chủ, tự do là thuộc tính của nhân loại.
Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến sự quật khởi rồi thoái trào của phong trào dân chủ thế giới. Nhiều người nghi ngại rằng liệu dân chủ tự do có phải là tối ưu và có thể thực hiện được với mọi dân tộc, mọi nền văn hóa. Trong lịch sử nhân loại, đã không biết bao lần xuất hiện những cá nhân hoặc tập đoàn người dùng ý chí chủ quan của mình để kìm hãm, ngăn chặn hay thậm chí là phá hoại tự do, nhưng những làn sóng dân chủ vẫn liên tiếp nhau dâng lên không dứt. Trước đây không ít người trong giới học giả đặt câu hỏi về sự dung hợp giữa dân chủ tự do và văn minh Hồi giáo; hay như chính trị gia nổi tiếng Lý Quang Diệu đã từng viện dẫn các “giá trị Á Đông” (theo ý ông là văn hóa Á Đông không thể hoàn toàn dung hợp tư tưởng dân chủ của Tây phương) để bao biện cho sự duy trì tình trạng độc tài trên đất nước Singapore. Nhưng vượt lên tất cả những ngụy biện, dân chủ luôn hiện diện trong tiềm thức con người, chỉ chờ đủ thời cơ để bùng phát, con sóng dân chủ này lụi tàn để con sóng khác dâng lên. Bởi vì con người phải được sống như chính nó, phải được tự do. Chúng ta là những con người, phải được sống như những con người đích thực. Khẳng định này dường như quá hiển nhiên đến nỗi trở nên ngớ ngẩn, nhưng có một thực tế là có nhiều người không hiểu hoặc giả vờ không hiểu quy luật tự nhiên này. Nếu hiểu rõ điều này thì nhiều người đã không dùng mấy mươi năm cuộc đời ngắn ngủi của mình để chống lại sức mạnh của quy luật tự nhiên, chống lại bản chất con người.
Con người, như một sinh thể thượng đẳng trên địa cầu, hoàn hảo, thống nhất về kết cấu tổng thể và phức tạp về mặt ý thức. Không giống với bất cứ sự tồn tại vật chất nào khác, con người là sinh vật có tư duy và ý chí. Một triết gia đã từng nói :”Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết tư duy”. Đó là sự khác biệt, là ưu điểm đáng tôn vinh khi chúng ta bàn về chính chúng ta. Nhưng tư duy và ý chí – đó lại chính là vấn đề. Vì có tư duy và ý chí, chúng ta muốn mọi thành tựu, hay đơn giản là kết quả hoạt động của mình đi theo một khuynh hướng có thể kiểm soát và phải phù hợp với ý chí của mình mà không cân nhắc đến những yếu tố khách quan mang tính quy luật. Người ta gọi cách thức hành động này là duy ý chí. Như chúng ta thấy, mọi sự vật luôn tồn tại như nó vốn có, mọi hoạt động của chúng đều phù hợp với cái cách mà chúng được tạo ra. Một cái cây phải quang hợp để tổng hợp chất hữu cơ nuôi sống chính nó- đó là điều tự nhiên. Con người thì khác, vì có tư duy và ý chí, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục hành động trái với tự nhiên, trái với những gì chúng ta vốn có, ví dụ đơn giản như chúng ta vẫn thức khuya cho dù biết việc này trái tự nhiên và tổn hại sức khỏe.
Thế nhưng, xét trên một bình diện rộng hơn và với mức độ sâu sắc hơn, với tất cả những bản năng cố hữu của mình, con người sinh ra vẫn luôn có khuynh hướng bảo toàn sinh mạng và các giá trị tư tưởng , tinh thần của mình trước mọi ngoại lực đe dọa. Theo một cách tự nhiên nhất, con người phải sống và có nhu cầu được sống mà không phải chịu bất cứ sự xâm hại thể xác hay tinh thần nào. Đó là quy luật, vì nó xuất phát từ bản năng của con người, đó cũng chính là nền tảng của lý luận về tự do. Xin được tái khẳng định, điều đã được khẳng định đó là : không có gì có thể tồn tại ngược với tự nhiên và đối kháng với những gì hình thành nên bản chất của chúng. Điều này đã được chứng minh nhiều lần trong khoa học tự nhiên. Dưới giác độ triết học và luật học, ngay cả luật pháp do con người tạo ra cũng không được trái với luật tự nhiên (tập hợp những quy phạm điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người, ràng buộc cách cư xử và luân lý dựa trên chính bản chất tự nhiên của con người) bởi không có cái gì hợp lý hơn tự nhiên.
Kể từ khi một hình thức nhà nước dân chủ đầu tiên xuất hiện ở Hi Lạp, con đường đưa thế giới tiến vào thể chế dân chủ thật không dễ dàng. Phong trào dân chủ vừa mới nổi lên ở Ý, Đức đã bị thế chiến lần thứ nhất làm cho gián đoạn rồi sau đó thoái trào vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít với sự đứng lên nắm quyền của Mussolini và Hitler. Rồi thế chiến thứ hai kết thúc với khả năng đưa các quốc gia thuộc địa mới giành được độc lập tiến vào con đường dân chủ thì những nền cộng hòa mới được thành lập này không bao lâu sau cũng bị chủ nghĩa cộng sản nhuộm đỏ, như hoàn cảnh Việt Nam ta, hay nước Trung Hoa dân quốc với nền cộng hòa non yếu cũng bị cộng sản thôn tính năm 1949. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, làn sóng dân chủ lan rộng khắp Đông Âu và nước Nga mang lại cho nhân loại niềm hi vọng to lớn về một thế giới mới tốt đẹp hơn; nhưng rồi sau một giai đoạn dân chủ ngắn ngủi, nước Nga gần như từ một quốc gia cộng sản bước hẳn vào một chế độ độc tài kiểu mafia. Cho đến những năm đầu thế kỷ 21 này, hồ sơ dân chủ nhân quyền vấn còn bế tắc chưa có lối thoát tại các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Việt Nam… vì vốn dĩ các chế độ độc tài là ngoan cố, tham tàn và có hệ thống, trong khi thế giới Tự do lại không thể đạt tới một ý chí chung, một sự liên kết cụ thể nào để đối phó với tình trạng trên, ngoài những thống kê, những buổi điều trần về tình hình đàn áp nhân quyền, những lời chỉ trích mang tính ngoại giao nhiều hơn là một chính sách thực tiễn. Ấy là chưa kể đến việc vấn đề nhân quyền đôi khi lại được mang ra để đổi chác, để trả giá giữa một bên là các chế độ độc tài, một bên nhân danh lực lượng tự do tiến bộ.
Mùa xuân 2011, Bắc Phi diễn ra cuộc cách mạng Hoa Lài với sự đột biến của tình hình Lybia và tình hình đầy bạo động tại Syria và Yemen. Nhân loại như bừng tỉnh trước ánh sáng và vận hội mới!
Mới đây, hội nghị Thượng đỉnh G8 đã nhóm họp tại Pháp với khẩu hiệu: “Thế giới mới, ý tưởng mới” nhằm khẳng định sự quyết tâm của tám quốc gia lớn mạnh nhất thế giới trong nỗ lực xây dựng một thế giới không độc tài- nơi mà các giá trị dân chủ tự do phải được thực hiện triệt để trên quy mô toàn cầu và xác quyết nghĩa vụ can thiệp chủ động và trợ giúp tích cực cho người dân ở các quốc gia độc tài đang đấu tranh để tháo gỡ xiềng xích. Có lẽ sau hơn một thế kỷ chứng kiến sự nổi dậy rồi thoái trào đáng lo ngại của làn sóng dân chủ, nhân loại hôm nay đã có đủ những kinh nghiệm xương máu để không thể tiếp tục làm ngơ trước khả năng những nỗ lực dân chủ hóa bị đè bẹp.
Thế giới chúng ta đang sống là một không gian đa nguyên, nơi mà an sinh và phúc lợi của một cá nhân hay của một quốc gia riêng biệt có mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời với phần còn lại của cộng đồng hay của thế giới. Một thế giới với những cộng đồng người ngày càng phụ thuộc và xích lại gần nhau hơn về kinh tế, giáo dục, văn hóa với những giá trị và lợi ích chung thì không có lý do gì để không cùng nỗ lực và có những hành động thực tế để thúc đẩy dân chủ. Dân chủ là một giá trị vừa mang ý nghĩa lý luận vừa có tính thể chế nên nó sẽ là nền tảng cho sự xây dựng các giá trị khác; vì thế con người không thể hướng đến một xã hội văn minh, nhân bản mà không quan tâm tới vấn đề dân chủ tự do. Chúng ta đang tiến vào một thế giới không nhân nhượng với các chế độ độc tài, một thế giới không chỉ chống độc tài bằng miệng mà khi cần thiết, biện pháp quân sự cứng rắn sẽ được áp dụng. Không có cách nào khác, muốn thăng tiến những giá trị tự do, dân chủ và bảo đảm an ninh toàn cầu thì phải tiêu diệt độc tài.
Thật vậy, ý chí của con người là hữu hạn chúng ta phải tuân theo những quy luật tự nhiên vì đối kháng với tự nhiên là tự hủy diệt. Cũng như thế, xã hội loài người phải được phát triển trong tự do, dân chủ vì dân chủ tự do là nhân bản, mà nhân bản chính là con người tự nhiên đích thực. Tất cả chúng ta phải được sống với đúng những thuộc tính căn bản nhất của mình: sinh tồn tự do- quần cư tương hỗ. Jean Jacques Rousseau đã nói: “Con người sinh ra được tự do nhưng ở bất cứ đâu anh ta cũng bị xiềng xích”. Nhưng đã đến lúc mọi xiềng xích nô dịch con người phải bị tháo bỏ không chỉ bởi những cố gắng của chính những con người yếu đuối đang sống dưới sự nô dịch mà còn bằng cả trách nhiêm can thiệp và trợ giúp của những con người đã được hoàn toàn tự do, đã có đầy đủ sức mạnh thực sự mà sự tự do mang lại. Đó mới chính là ý nghĩa đích thực và xứng đáng nhất của sự quần cư- sự chung sống trong an toàn, tự do và hài hòa của nhân loại.
Tam Kỳ ngày 5 tháng 6 năm 2011
© Huỳnh Thục Vy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét