Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Những hồi trống lệnh xung trận? Căng thẳng đang dâng cao ở Biển Hoa Nam

Ngày 10 tháng 6 năm 2011
Những tranh chấp ở Biển Hoa Nam [Biển Đông] thường gây ra cảm tưởng về sự lặp lại những chuyện giống hệt trong quá khứ. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp xảy ra trong tuần này khi Việt Nam cáo buộc một chiếc tàu của Trung Quốc đã cố ý cắt đứt cáp thăm dò của một chiếc tàu khảo sát địa chấn đang làm việc cho tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam. Việt Nam nói rằng sự cố hôm mồng 9 tháng 6 đã xảy ra trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý mà Việt Nam có các quyền lợi về kinh tế căn cứ theo Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.  

Trung Quốc đáp lại rằng Việt Nam đã khiêu khích các tàu đánh cá của Trung Quốc đang đánh bắt tại vùng biển mà họ đã làm ăn “từ nhiều thế hệ nay”, theo lời của một tuyên bố bằng văn bản của phát ngôn viên Hồng Lỗi của bộ ngoại giao Trung Quốc. Tàu của Việt Nam trong lúc đuổi các thuyền đánh cá của Trung Quốc đã khiến một chiếc thuyền bị mắc vào mạng cáp được kéo từ chiếc tàu khảo sát của PetroVietnam, phát ngôn viên họ Hồng này đã nói. Hồng Lỗi cáo buộc Việt Nam đang gây nguy hiểm tới cuộc sống của ngư dân Trung Quốc và tuyên bố rằng hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam đã “xâm phạm một cách thô thiển” chủ quyền của Trung Quốc.
Nếu như sự cố ẩu đả nói trên nghe có vẻ quen thuộc thì đó là bởi vì sự cố đó có lý do chính đáng của nó. Chính phủ Việt Nam nói rằng một tàu tuần dương của Trung Quốc hôm 26 tháng 5 đã cắt đứt cáp thăm dò của một chiếc tàu thăm dò khác của Việt Nam. Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã than phiền về sự cố này tại cuộc gặp thượng đỉnh về an ninh Shangri-la ở Singapore vào tuần trước. Các cuộc phản đối đã được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và mấy ngày gần đây thì nhiều trang web của Việt Nam và Trung Quốc được cho là đã bị các hacker tấn công và để lại trên giao diện của trang chủ những thông điệp khích động tinh thần dân tộc.
Từ trước tới nay thì Việt Nam và Trung Quốc đã từng có vô số những cuộc đụng độ để tranh giành sự kiểm soát đối với Biển Hoa Nam. Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực đuổi Việt Nam ra khỏi Quần Đảo Hoàng Sa ở phía bắc [của Biển Hoa Nam]. Còn năm 1988 thì hai bên đã đụng độ vũ trang ở Quần đảo Trường Sa ở phía nam là nơi cho đến nay nhiều nước vẫn đang tuyên bố khẳng định chủ quyền đối với một phần quần đảo này. Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippine, Đài Loan và Việt Nam tất tật đều tuyên bố có chủ quyền đối với ít nhất một phần nào đó của Biển Hoa Nam. Vùng biển này có những vỉa địa chất chứa nhiều dầu mỏ và khí thiên nhiên và đồng thời còn là một tuyến đường dành cho một phần quan trọng hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển của toàn thế giới.
Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippine liên quan đến những tuyên bố chủ quyền tranh chấp ở Biển Hoa Nam cũng lên đến đỉnh điểm trong những tuần lễ gần đây. Philippine mới đây đã than phiền về việc tàu hải quân Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp và Philippine đã cử máy bay quân sự tới một khu vực có tên là Bãi Đá Rong [Reed Bank] hồi tháng Ba sau khi tàu chiến của Trung Quốc quấy nhiễu một tàu khảo sát của Philippine. Hôm Thứ Năm tuần trước, đại sứ Trung Quốc tại Philippine Lưu Kiến Siêu [Liu Jianchao] đã cảnh báo các nước trong khu vực hãy ngừng công việc tìm kiếm nguồn tài nguyên dưới đáy biển “tại những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền” và phủ nhận việc Trung Quốc quấy nhiễu tàu của Philippine. Ông ta nói rằng các hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển này là “phù hợp với việc thực thi quyền tài phán của chúng tôi,” hãng thông tấn Associated Press đã đưa tin như vậy.
Hồi năm 2002 các nước có tuyên bố chủ quyền đã đồng ý giải quyết tranh chấp một cách hòa bình về Biển Hoa Nam. Nhưng kể từ dạo đó đến nay hầu như không có sự tiến triển nào. Ngoại trưởng Hillary Clinton năm ngoái đã nói rằng Mỹ sẽ giúp đỡ với vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán. Tuyên bố này đã làm Trung Quốc tức giận vì Trung Quốc muốn các cuộc đàm phán chỉ giới hạn trong các bên có tranh chấp với nhau. Thế nhưng phát biểu của Clinton có lẽ đã làm cho một số nước trở nên mạnh dạn đứng lên chống lại Trung Quốc, cụ thể là Việt Nam. Tại cuộc gặp thượng đỉnh Shangri-La, bộ trưởng quốc phòng sắp từ nhiệm của Mỹ  là Robert Gates đã bày tỏ mối quan ngại về tình hình căng thẳng đang dâng cao ở Biển Hoa Nam và rằng nếu không có những thỏa thuận tiếp tục được xúc tiến giữa các bên tuyên bố chủ quyền thì những tranh chấp chắc chắn sẽ tiếp tục kéo dài. “Tôi cho rằng nếu không có luật đi đường và nếu không có những cách tiếp cận được thỏa thuận với nhau để giải quyết những vấn đề này [tranh chấp] thì sự đụng độ chắc chắn sẽ xảy ra, ” ông Gates nói.
Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét