Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Mất bình tĩnh? Thì chậm lại

Chào các bạn,

Điểm yếu số một và thường trực của mỗi người chúng ta là mất bình tĩnh:
• Hắn chửi tôi ngu trước mặt mọi người, tôi mất bình tĩnh đấm cho hắn một đấm.
• Gần đến giờ hẹn mà còn kẹt xe giữa đường, tôi mất bình tĩnh lạng lách như bay.
• Sắp đến giờ ra sân khấu, tôi mất bình tĩnh trống ngực đập thùng thùng, miệng khô nói không muốn ra tiếng.

• Thấy nàng nắm anh tên nào đó đi ngang, tôi mất bình tĩnh vô quán gọi 10 chai bia uống một mình.
Chúng ta có đủ loại mất bình tĩnh trong ngày, và hầu như chúng ta ai cũng muốn chiến thắng hiện tượng mất bình tĩnh của mình. Nhưng như kinh nghiệm cho thấy, thật là vô cùng khó.
Các bạn, “mất bình tĩnh” tức là “mất tĩnh lặng” trong ngôn ngữ của Đọt Chuối Non. Và “giữ bình tĩnh” tức là “tĩnh lặng” trong ngôn ngữ của Đọt Chuối Non.
Bạn muốn giữ bình tĩnh, tức là bạn muốn tĩnh lặng.
Chúng ta đã nói đến đủ cách để tập luyện tĩnh lặng—thiền, cầu nguyện, khiêm tốn, thành thật, yêu người, nhẫn nhục….
Hôm nay chúng ta nói đến một cách tập luyện vô cùng dễ, và bạn có thể thực tập một ngày 24 tiếng đồng hồ.
Đó là “chậm lại”.
Một hệ thần kinh thường mất bĩnh tĩnh, nhảy tưng tưng, là một hệ thần kinh quen nhảy nhót như chớp, chận lại không kịp. Một hệ thần kinh tĩnh lặng là một hệ thần kinh quen làm việc từ từ, cho ta thời gian để suy tính và kiểm soát hành động.
Chúng ta cần luyện hệ thần kinh của ta làm việc chậm lại để ta có thời giờ suy nghĩ, trước khi ra tay đấm thiên hạ mà không kịp nghĩ suy gì cả.
“Chậm lại” cách nào?
1. Cách quan trọng nhất là làm lịch thong thả hơn
Nếu từ nhà đến sở tốn trung bình 45 phút, thì làm lịch cho mình ít nhất là 1 tiếng đồng hồ. Như vậy thì khi lái xe,lái đúng tốc độ, không chạy quá nhanh (Chạy quá nhanh là tập luyện cho hệ thần kinh nhạy xung động), kẹt xe một chút thì cũng không sợ trễ.
Tất cả mọi việc trong ngày, ta đều cho thêm một chút thời gian khi nhẩm tính thời gian công việc như thế. Vậy thì tự nhiên là ta cho phép hệ thần kinh của ta thong thả và bình tĩnh thường xuyên.
2. Khi bị trễ, đừng tăng tốc
Ví dụ: Ta đã cho thêm 15 phút đi đường, nhưng hôm nay bị kẹt xe quá, vẫn có thể bị trễ. Đừng tăng tốc lạng lách và chửi thề lung tung. Ép mình vào kỷ luật, chạy xe vẫn tử tế dịu dàng như thường ngày, và gọi điện thoại đến nơi hẹn cho biết là mình sẽ trễ vì kẹt xe.
Ép mình vào kỹ luật thong thả tức là ép hệ thần kinh quen bình tĩnh, không xung động.
Các bạn, hệ thần kinh tốn rất nhiều thời gian để luyện tập. Các bạn đã tập thể thao hay tập võ thì đều biết. Tay chân của ta, nếu ta muốn cho mạnh, nhanh, dẻo dai như các lực sĩ hay võ sĩ, thì ta phải tốn nhiều tăm luyện tập. Mỗi năm đều thấy tiến bộ, nhưng mức cao thủ tốn nhiều năm. Luyện tập hệ thần kinh cũng y như vậy, nếu ta luyện tập hàng ngày, 24 tiếng đồng hồ một ngày, bằng cách sống chậm lại, ung dung và thoải mái hơn, thì cũng tốn nhiều năm để ta có thể đạt đến hàng sư phụ về bình tĩnh. Không thể xong trong một hai tháng.
Mấy năm trước mình đi dự hội nghị, ngồi nói chuyện với một nhóm luật sư. Ai cũng than là đời sống quá nhiều stress, tối ngày hấp tấp bao nhiêu chuyện mà không biết phải làm sao. Mình chỉ cho mọi người đúng hai điểm mình chỉ các bạn hôm nay—làm lịch thong thả hơn, và khi bị trễ thì thà trễ còn hơn chạy ào ào (Đương nhiên là trừ khi ta đang trễ một vấn đề sống chết). Và các vị luật sư này rất mừng rỡ đã được mình chỉ một giải pháp giản dị và dễ thực hành như thế.
Nhiều người trong chúng ta thường hiểu lầm là nếu ta chậm lại, thì ta sẽ làm được ít việc hơn và gặt hái ít hơn. Sự thật thì khi ta chậm tại tỉ số thành công tăng lên, làm 10 thành được 8, 9. So với người hấp tấp thường xuyên, làm 10 thành 5, thì ai gặt hái nhiều hơn ai?
Điều quan trọng ta cần ghi nhớ là: Đích điểm cao nhất của tư duy tích cực là tĩnh lặng—không hồi hộp, không lo, không sợ, không trầm cảm, không bức xúc, không giận dữ… luôn luôn bình tĩnh trước mọi vấn đề. Đây là cách sống của các bậc thường thừa, tâm tư luôn an lạc và sáng suốt, dù đang đứng giữa chiến trường. Và muốn đến đích điểm này thì ta phải có cách thường xuyên tập luyện cho hệ thần kinh của ta quen làm việc một cách tĩnh lặng và từ tốn.
Chúc các bạn một ngày thong thả.
Mến,
Hoành
© copyright 2011
Trần Đình Hoành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét