Trước những diễn biến phức tạp đang dồn dập xảy ra ở Biển Đông, người ta lại nhớ đến suy tư của ông Sáu Dân dạo nào: "thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thực sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc".
"Nỗi niềm tưởng đến mà đau", ông Sáu Dân ra đi thế là đã ba năm. Một nghìn tám mươi ngày đà mấy chốc, thế mà thời cuộc bể dâu biết bao chuyện đáng suy tư.
Anh bạn thân của tôi đang ở bên Úc, người từng cận kề với ông Sáu Dân trong những công việc liên quan tới công tác đối ngoại, trong thư vừa gửi có hỏi: "anh TL nè, không biết nếu anh Sáu còn sống, thì anh Sáu sẽ nói gì nhỉ? Anh có đoán được ra không? Có lần anh ấy đã nói với em ở Tây Hồ, ít ngày trước khi em sang Úc... gặp anh, em sẽ kể lại anh những gì anh Sáu nói với em dạo ấy".
Tuy hồi hộp chờ chuyện anh bạn sẽ kể, nhưng tôi không "đoán", mà là mường tượng được ông Sáu đã nói gì với Tr... về những mối quan tâm trên lĩnh vực đối ngoại trong dịp ấy, và rồi sẽ nói gì vào lúc này, về những sự kiện đang khuấy động tâm tư của mỗi người Việt Nam ưu tư về vận mệnh của đất nước. Một người bạn thân tình và cũng là người trợ giúp tin cậy của ông Sáu Dân, anh Việt Phương, trong bài thơ vừa gửi cho tôi đã nói hộ điều đó:
"Ba năm hơn một nghìn ngày
Bao nhiêu biến động đổi thay cõi người
Chuyện nhà chuyện nước chuyện đời
Người còn trăn trở không nguôi nỗi niềm..."
Đâu chỉ có một mình ông Sáu Dân trăn trở, cho nên phải nói là ông trăn trở những điều mà cả nước đang trăn trở. Chính ở đây, người ta muốn có những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược như ông Sáu Dân đã từng làm, để từ đó mà đưa ra được những giải pháp sáng tạo, giàu tính thuyết phục, khởi động được sức mạnh to lớn của dân.
Ảnh tư liệu. |
Và rồi, trước những diễn biến phức tạp đang dồn dập xảy ra ở Biển Đông khiến người ta lại nhớ đến suy tư của ông dạo nào: "thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi và liên hệ với nhau hơn, thực sự không còn chỗ thành công lớn cho những nỗ lực đơn độc. Vị trí đối ngoại của chúng ta, vì thế, không chỉ tùy thuộc vào thế, mà phải tăng tốc thêm lực và khả năng thích ứng với toàn cầu của mình. Ngoại giao tới đây, vì thế, tôi nghĩ phải có vai trò vượt lên phía trước, phải chủ động cảnh báo cho trong nước cả thách thức lẫn cơ hội, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi mới của thời cuộc".*
Thách thức đi liền với cơ hội. Chuyện này chẳng có gì mới, cũng chẳng có gì "đột phá", nhưng sẽ là "đột phá" ở cách vận dụng sao đây để biến thách thức thành cơ hội, xoay chuyển tình thế.
Bình sinh, ông Sáu Dân thường có những ý tưởng mang tính đột phá có sức gợi mở trên những vấn đề có ý nghĩa chiến lược như vậy. Mà "đột phá" được vì biết tắm mình trong biển cả nhân dân, học được từ dân tính năng động sáng tạo để bồi đắp cho trí tuệ của mình. Có được bản lĩnh ấy nhờ biết coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí nguyện vọng của dân.
Bằng sự chân tình của một con người mà nhịp đập của trái tim mình nối kết được với nhịp đập trái tim yêu nước của người dân, ông Sáu Dân đã từng vận dụng một cách trung thành và sống động tư tưởng Hồ Chí Minh về cách bồi dưỡng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Nói đến đại đoàn kết dân tộc, cũng chính là nói về tập họp và phát huy ý chí, trí tuệ và sáng kiến của mọi tầng lớp nhân dân trong đời sống hàng ngày muôn hình muôn vẻ của họ mà đôi khi cứ như "tự phát" hoặc "không theo một chỉ thị, nghị quyết" nào!
Ông biết cách chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của từng con người trong nhiều tầng lớp nhân dân. Do cảm nhận được tâm tư, nguyện vọng của con người đang cùng ông chia ngọt sẻ bùi, những con người ở nhiều cảnh ngộ khác nhau với cách biểu tỏ lòng yêu nước, thương nòi không giống nhau, thậm chí có khi rơi vào những tình huống éo le, khó xử mà ông từng chứng kiến, khiến cho ông thấm thía hơn ý nghĩa "đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung" trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong ảnh: tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc cắt cáp. |
Để thật sự có khối đại đoàn kết dân tộc, Võ Văn Kiệt biết và dám tìm mọi cách để khơi dậy mọi khả năng đang còn tiềm ẩn trong mỗi một con người thuộc mọi tầng lớp, rũ bỏ những định kiến, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của dân tộc mà chân thành đoàn kết để cùng nhau xây dựng đất nước.
Cũng chính vì thế, ông có được một tầm nhìn vượt xa lên phía trước về phát huy dân chủ, xem đó là điều kiện tất yếu để có đoàn kết chân thành và bền vững, động lực quyết định của phát triển. Có phát huy dân chủ mới phát hiện và quy tụ được hiền tài, làm bừng nở trí tuệ và tài năng của mỗi một con người Việt Nam trong và ngoài nước, trước hết là của thế hệ trẻ, nguồn sinh lực của đất nước. Có vậy mới tìm ra được giải pháp cho mọi tình huống. Có thể nói chữ dân trong khối óc và trái tim của Sáu Dân gắn làm một với dân chủ.
Từ cuộc sống nhẫn nại và quyết liệt của đồng bào, đồng chí của mình ông tiếp thu vào mình nét thâm thúy và mộc mạc hòa quyện trong sự thông tuệ dân gian thấm đẫm chất văn hóa. Cùng với nguồn mạch đó là những cố gắng tự làm giàu trí tuệ của mình bằng sự kiên trì học hỏi và chân thành lắng nghe những chuyên gia, những trí thức mà ông thật lòng quý trọng. Những cái đó suối nguồn bất tận làm nên một tầm vóc Võ Văn Kiệt, vừa có sự dung dị nhưng không kém sâu lắng, vừa bộc trực, hồn nhiên nhưng không thiếu phần minh triết và tế nhị trong ứng xử, trong quyết sách.
Trong bối cảnh phức tạp đang diễn ra lại nhớ đến những suy tư của ông: "Việt Nam ta hiện nay phải lựa chọn: hoặc không có một chỗ dựa nào nữa, hoặc phải tìm một tình thế quốc tế tối ưu cho mình. Về điều này, cần phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi, có tri thức rất tốt về tình hình quốc tế, biết tính toán rất kỹ các phương án. Không thể chỉ nói như là đã giải quyến được vấn đề" * 2[526] .
Ông đưa ra những gợi ý rất đáng suy nghĩ: "Ngày nay khi thế giới hai cực không còn nữa thì Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác khó còn có thể tìm được chỗ dựa cụ thể ở một nước nào, một phe nào. Chỗ dựa và cách dựa bây giờ khác đi. Bây giờ không phải đi tìm một cường quốc nào đó mà là cài đặt những lực lượng khác nhau vào một thế thuận lợi cho Việt Nam. Cách đó nhiều nước đã làm"* .
Trong tư cách là người gánh vác trọng trách trước dân, ông đặt vấn đề rất công khai và sòng phẳng:"phải trân trọng những cái mới, phải khuyến khích những những tìm tòi, những hướng đi mới, không nên khư khư giữ nếp cũ hoặc thỏa mãn với những gì làm được. Nếu chỉ sợ chệch hướng theo một đánh giá nào đó thì thực tế cầm chắc là sẽ tụt hậu. Vào thời kỳ trước 1986, tất cả những mũi đột phá sáng tạo đều đã từng bị những quan điểm bảo thủ quy kết là chệch hướng...
Hãy thử tưởng tượng xem, nếu trong những năm gian nan ấy mà những quy kết đó không kiên trì khắc phục, thì mọi mũi đột phá đều bị ngăn cản. Như vậy, Việt Nam có vượt qua được khủng hoảng và bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện không?
Từ kinh nghiệm đó, chúng ta phải thẩm tra xem ngày nay đang có những gì cần phải tiếp tục tìm tòi, phải biết tìm mọi cách phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, tạo động lực mới để bứt phá, tìm ra những hướng sang tạo mới trong các bước đi để bắt kịp được nhịp phát triển của thời đại. Cần phải rạch ròi và song phẳng chỉ ra những hướng đi đang còn bị ngộ nhận và quy kết đơn giản là chệch hướng, liệu có đúng là chệch hướng không?...Chẳng lẽ phải đuổi kịp thiên hạ là chệch hướng, để đất nước tụt hậu ngày càng xa là đúng hướng?" *
Cổ vũ cho những mạnh dạn tìm tòi với ý thức trách nhiệm cao trước dân, ông Sáu Dân hay nhắc lại về những bài học thực tiễn, có những điều từng được truy chụp là sai lầm, chệch hướng nhưng sau đó thực tiễn lại chứng minh là đúng đắn và sáng tạo. Ngược lại, có những điều được khẳng định là vấn đề có tính nguyên tắc, là định hướng đúng đắn thì rồi thực tiễn đã bác bỏ khi những điều tưởng là "thiên kinh, địa nghĩa" đã bị cuộc sống vượt qua.
Ông nghiêm khắc phê phán những người "...sẵn sàng cao giọng bảo vệ chế độ, tích cực chống bọn tấn công vào Đảng, vào chủ nghĩa xã hội. Thực ra là họ sợ hãi cho lợi ích bất chính của họ..."* Đó là những người mà ông Sáu Dân gọi là "tham nhũng những giá trị trí tuệ, những danh vị cao quý bằng chủ nghĩa cơ hội..."*
Thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm này ông hiểu rằng sẽ gặp những lực cản không nhỏ và dai dẳng. Điều này dễ hiểu. Ở những quãng sông nước chảy xiết, nhất là ở những khúc ngoặt, váng bẩn sẽ nổi lên nhiều, nhưng dòng sông vẫn chảy. Khi tư tưởng đã đi vào cuộc sống, được nhân dân đón nhận, tư tưởng sẽ biến thành sức mạnh vật chất tao ra những bứt phá, đưa đất nước đi tới. Nhân ngày giỗ ông Sáu Dân, nghĩ về ông , thiết thực nhất là nhắc lại một vài ý tưởng có sức thuyết phục của ông.
________________
* "Võ Văn Kiệt, người thắp lửa". NXB Trẻ. 2010, tr. 471, 526, 525, 524, 528
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét